Thuốc trị chứng đầy bụng khó tiêu
Đầy bụng khó tiêu là bệnh lý thường gặp trong tiêu hóa. Người ăn uống không tiêu thường có cảm giác đầy trướng bụng, tức bụng, ậm ạch khó chịu, thường xảy ra sau ăn nhưng cũng có khi suốt ngày và tăng lên sau ăn làm cho người bệnh ngại ăn, không dám ăn nhiều.
Chứng ăn khó tiêu rất phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Hiện nay, đời sống ngày càng được cải thiện, ăn uống quá nhiều, những bữa ăn nhiều chất đạm, nhất là chất béo, vượt quá khả năng đáp ứng thường ngày của bộ máy tiêu hóa hoặc các thức ăn lạ chưa quen, gây đầy bụng khó tiêu. Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc chứng bệnh này.
Nguyên nhân của chứng đầy bụng khó tiêu có thể do các bệnh lý thực tổn trong cấu trúc của bộ phận, làm cho bộ phận đó không sản xuất đầy đủ về số lượng và chất lượng các men (enzym) cần thiết cho sự tiêu hóa và chuyển hóa, đồng thời các tổn thương đó cũng làm hạn chế nhu động của bộ phận có bệnh. Tuy nhiên, nhiều khi chỉ là rối loạn cơ năng, nghĩa là không có tổn thương quan trọng trong cấu trúc của bộ phận, nhưng giảm tiết dịch hoặc nhu động bị trì trệ làm cho thức ăn cùng với hơi không vận chuyển được tốt gây đầy trướng bụng và có thể kèm theo đau.
Để phòng chứng khó tiêu cần xem lại chế độ ăn: tránh ăn quá no; không ăn nhiều chất béo và giấm; tránh uống rượu mạnh; không uống nhiều cà phê, hút nhiều thuốc lá; các bữa ăn không quá gần nhau, không ăn vội nuốt vội, cần nhai kỹ, tâm lý khi ăn cần vui vẻ, thảnh thơi.
Tùy theo trường hợp đầy trướng bụng khó tiêu, với người lớn có thể dùng một trong các thuốc sau:
Thuốc chống acid và chống đầy hơi
Maalox: Thuốc có tác dụng kháng acid dịch vị, bảo vệ niêm mạc thực quản, niêm mạc dạ dày tá tràng, điều trị chứng đầy bụng chậm tiêu. Dùng thuốc sau ăn từ 30 – 60 phút. Chỉ dùng thuốc ngắn ngày và cách xa các thuốc khác.
Pepsane: Gói thuốc chứa dạng gel uống, điều trị chứng đầy bụng trướng hơi. Ngày dùng 2-3 lần trước khi ăn hoặc lúc đau. Lưu ý nuốt dạng gel, không pha loãng.
Alka – Seltzer: Là dạng viên nén sủi bọt, có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi trướng bụng, nặng bụng sau khi ăn. Cứ 4 giờ uống thuốc một lần (hòa tan viên thuốc vào cốc nước uống). Lưu ý trong thành phần của thuốc có chứa acid acetylsalicylic nên không dùng cho người mẫn cảm với aspirin, không dùng cho người hen suyễn hoặc loét dạ dày tá tràng.
Ngoài các thuốc nói trên còn có các thuốc gaviscon, phosphalugel, normogastryl… cũng thuộc nhóm này.
Thuốc giúp điều hòa co bóp dạ dày
Dùng khi sự co bóp dạ dày kém khiến cho thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm. Có thể dùng thuốc sau:
Domperidon: Có nhiều biệt dược, trong đó motilium được nhiều người biết đến. Thuốc có tác dụng điều hòa nhu động dạ dày – ruột, trị các chứng đầy bụng buồn nôn, nôn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngày uống 3 – 4 lần, 15 phút trước bữa ăn. Thuốc chống chỉ định với người có tiền sử chảy máu dạ dày – ruột, nghẽn ruột, phụ nữ có thai.
Metoclopramid: Với hơn 70 tên biệt dược, thuốc có tác dụng chống nôn mạnh và điều hòa nhu động ruột, điều trị các biểu hiện khó tiêu do rối loạn nhu động ruột. Ngày dùng 3 lần. Thuốc chống chỉ định như domperidon.
Cisaprid: Có tác dụng kích thích nhu động dạ dày – ruột, điều trị đầy bụng mạn tính do giảm nhu động. Nhưng cần lưu ý: Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê 110 trường hợp tử vong do rối loạn nhịp tim cấp liên quan đến việc dùng thuốc cisaprid. Cục Quản lý dược nước ta cũng đã có thông báo yêu cầu các đơn vị lưu ý khi dùng thuốc này và xử lý kịp thời khi có tai biến.
Festale: Viên nén bọc đường chứa các men (enzym) ở tụy và mật bò tinh chế… dùng điều trị các triệu chứng đầy bụng chậm tiêu. Nuốt viên thuốc trước bữa ăn hoặc khi đang ăn.
Pancrelase: Dạng viên bọc đường phối hợp nhiều men tiêu hóa, điều trị rối loạn chậm tiêu, nhất là do thức ăn chứa chất bột. Dùng thuốc trước bữa ăn.
Neopeptine: Thuốc phối hợp nhiều men tiêu hóa và một số vitamin… làm tăng tiêu hóa thức ăn, chống đầy hơi, tăng khả năng hấp thụ qua màng ruột. Điều trị các chứng đầy hơi, kém ăn, lên men ở ruột, chậm tiêu, trướng bụng.
Lactomed TAB: Lập lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, điều trị chứng khó tiêu, đầy bụng, lên men bất thường ở ruột.
Chỉ nên dùng các thuốc nói trên 5 – 7 ngày, nếu sau đó chứng khó tiêu không cải thiện rõ rệt thì cần tái khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Với trường hợp khó tiêu kéo dài cũng cần khám để tìm căn nguyên, xác định hoặc loại trừ một bệnh có tổn thương thực thể, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ cho dùng thuốc điều trị có hiệu quả nhất.
Theo Sức khỏe đời sống