Bệnh “vùng kín”
Đa số chị em thường dễ dàng đi khám viêm họng, ho… Trong khi với bệnh vùng kín do là nơi “tế nhị” mà thường thất hẹn nhiều lần…Các vết loét vùng kín là tình trạng mất lớp biểu bì mô của da và niêm mạc cơ quan sinh dục. Nhiều tác nhân gây ra tình trạng loét vùng kín nhưng chủ yếu là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Dưới đây là những đặc tính của các bệnh hàng đầu gây loét sinh dục.
1. Herpes
Là nguyên nhân gây loét vùng kín thường gặp nhất. Bệnh do virus Herpes simplex type 1 và 2 gây ra.
Những mụn nước, vết loét chứa đầy virus có thể lây nhiễm cho người phối ngẫu hoặc lây cho trẻ sơ sinh khi sinh ngả âm đạo.
Bệnh hay tái phát nếu không điều trị triệt để.
2. Hạ cam mềm
Là bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus Hemophilus ducreyi gây ra. Bệnh thường khu trú ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung và không lây truyền cho thai nhi.
3. Hột xoài
Ít gặp ở phụ nữ, nhưng vẫn có thể xảy ra do vi khuẩn Chlamydia trachomatis type L1 và L3. Vết loét khoảng 1-10mm, không đau, nằm ở cơ quan sinh dục hay hậu môn, trực tràng.
Hầu hết chúng tự biến mất. Hai, ba tuần sau nổi nhiều hạch vùng bẹn, lớn, dính thành chùm, sau đó tạo mủ và vỡ ra thành nhiều lỗ.
Nếu bệnh không được điều trị, nhiễm trùng lan rộng có thể làm tắc mạch bạch huyết hoặc phù voi ở cơ quan sinh dục ngoài.
4. U hạt bẹn
Bệnh hiếm gặp, thủ phạm là vi khuẩn Callymmatobacterium granulomatis. Những sẩn loét phát triển thành u hạt màu đỏ, mềm và không đau.
Khi mắc bệnh ở vùng kín, đừng ngại đến bác sĩ để được điều trị sớm, tránh diễn biến xấu, nhất là lây truyền cho người phối ngẫu hay thai nhi.
5. Nấm âm đạo
Vùng “tam giác” của phụ nữ thường ẩm ướt nên là môi trường thuận lợi để nấm sinh “con đẻ cháu”. Thoạt đầu chỉ là những khó chịu có thể chấp nhận được, nhưng nếu tiếp tục không bị tiêu diệt, nấm sẽ gây họa với các cảm giác ngứa, rát khó chịu. Nấm có sẵn trên cơ thể chúng ta nhưng chỉ phát triển khi có cơ hội: vệ sinh kém, thời gian kinh nguyệt, dùng kháng sinh lâu dài, tiểu đường, đang mang thai… Để không bị nhiễm nấm, cần giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh trong quan hệ tình dục, phơi quần áo lót ngoài nắng để diệt nấm. Chỉ sử dụng các thuốc rửa phụ khoa khi bị viêm nhiễm, đang hành kinh hoặc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
6. Trùng roi
Trùng roi là một loại ký sinh trùng có tên là Trichomonas Vaginalis mà mắt thường không nhìn thấy được. Chúng sống ký sinh ở âm đạo, dịch tiết âm đạo, các nếp nhăn của da ở bộ phận sinh dục, gây nên các triệu chứng viêm nhiễm. Thoạt đầu, lượng trùng roi còn ít, đương sự chưa thấy hề hấn gì nhưng khi số lượng chúng tăng lên sẽ làm cho khí hư ra nhiều, có mùi, màu vàng, xanh, đôi khi có bọt; khi giao hợp bị đau, ngứa, rát. Lúc này, việc điều trị không dễ dàng. Bác sĩ Lưu Thị Thanh Loan – BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Để điều trị thành công, cả hai người phải hợp tác, uống thuốc, không giao hợp hoặc nếu có giao hợp phải sử dụng bao cao su. Sau một đợt điều trị, người phụ nữ cần tái khám để xác định chúng đã… “đi” xa! Việc trì hoãn sẽ bị các biến chứng như viêm vòi trứng, vô sinh, viêm nhiễm đường tiết niệu”.
7. Tạp trùng
Khi thấy dịch tiết âm đạo nhiều, có màu trắng xám, có mùi hôi và tanh là âm đạo bị viêm do nhiễm tạp khuẩn (thường là những vi khuẩn yếm khí hỗn hợp). Việc điều trị cần dùng cả thuốc uống, rửa và thuốc đặt.
Những bệnh nhân viêm âm đạo lưu ý tránh quan hệ tình dục trong thời gian chữa bệnh hoặc sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Quần lót, khăn tắm nên thay thường xuyên, cần sấy giặt, phơi nơi khô ráo, thoáng để tránh vi khuẩn lây nhiễm trở lại. Đồng thời có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
8. Viêm cổ tử cung
Nguyên nhân gây viêm cổ tử cung thường là Chlamydia trachomatis và vi khuẩn lậu cầu, có khi là do cả hai.
Chúng lây qua việc quan hệ tình dục không an toàn. Vị trí bị tổn thương có thể là đường tiểu, cổ tử cung, nội mạc tử cung, ống dẫn trứng… Bác sĩ Lưu Thị Thanh Loan cho biết: “Nếu người mẹ mang thai bị nhiễm Chlamydia trachomatis có thể lây bệnh cho con lúc sinh, thường là tổn thương ở mắt, có thể bị mù lòa. Điều đáng ngại là đa số các trường hợp nhiễm Chlamydia trachomatis thường không có triệu chứng gì, ngay cả khi bệnh lan lên đến tử cung, ống dẫn trứng, gây biến chứng tắc ống dẫn trứng, vô sinh. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ nhận thấy các triệu chứng sau: tiểu buốt hoặc thường xuyên buồn tiểu, âm đạo tiết dịch nhiều, có thể kèm theo ngứa rát hoặc không, đau râm ran vùng bụng dưới rốn hoặc đau khi quan hệ tình dục”.
Ngoài ra, bệnh mồng gà, giang mai, sau khi xâm nhập vào cơ thể cũng “chiếm cứ” khu vực âm hộ, âm đạo, cổ tử cung. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Riêng xoắn khuẩn giang mai, sau khi vào cơ thể sẽ “chu du” khắp các cơ quan tạng phủ. Vì thế, chúng có thể gây sẩy thai, làm thai chết trong tử cung, dị dạng và có thể gây giang mai bẩm sinh. Tuy giang mai là bệnh nguy hiểm nhưng có thuốc điều trị khỏi hẳn với hiệu quả cao, miễn là phải được phát hiện sớm và điều trị đúng chỉ dẫn của thầy thuốc.
Tuy những bệnh nêu trên nguy hiểm cho bản thân, thậm chí gây vô sinh hoặc lây bệnh cho con trong quá trình mang thai, sinh nở, nhưng lại dễ phòng. Chỉ cần sống chung thủy một vợ một chồng hoặc quan hệ tình dục an toàn bằng cách dùng bao cao su.
Theo PNO