8 căn bệnh quý ông nên thường xuyên kiểm tra
Nam giới trưởng thành thường có nguy cơ mắc các bệnh phổ biến như: ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt, huyết áp hay tiểu đường…
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện và điều trị chúng thật sớm. Sau đây là 8 căn bệnh nam giới nên lưu ý.
1. Ung thư tuyến tiền liệt
Đây là bệnh khá phổ biến ở nam giới. Nếu phát hiện bệnh sớm tỷ lệ khỏi bệnh là khoảng 90%, trong khi tỷ lệ sống chỉ còn khoảng 30% nếu phát hiện bệnh muộn.
Bệnh thường có biểu hiện bên ngoài như: đi tiểu buốt, tiểu chậm, xuất tinh ra máu…Ngoài ra còn có thể đau xương, chán ăn. Nếu có dấu hiệu trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để tiến hành thử máu tìm kháng nguyên đặc hiệu PSA nhằm chẩn đoán.
2. Ung thư tinh hoàn
Bệnh này phát triển trong tinh hoàn của nam giới, thường gặp ở độ tuổi từ 20 – 54. Đặc biệt với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Dấu hiệu nhận biết bệnh là bìu xuất hiện các cục cứng hay có sự biến đổi đột ngột về kích thước, hình dạng tinh hoàn gây đau…
Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện sớm thì thể sẽ được chữa khỏi hoàn toàn. Ngược lại, tế bào ung thư có thể lây qua hệ bạch huyết đến hạch bạch huyết ở bụng, ngực, cổ và phổi.
3. Ung thư đại trực tràng
Nam giới có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với phụ nữ. Ung thư đại trực tràng phát triển chủ yếu từ các tế bào tuyến của niêm mạc đại tràng, xâm lấn vào thành ruột và lây lan ra xung quanh. Biểu hiện của bệnh là mắc các hội chứng về bài tiết như: hội chứng lỵ, chứng tiêu chảy, xuất hiện khối u …
Bệnh này liên quan khá chặt chẽ đến chế độ ăn uống. Vì thế, nam giới nên tăng cường ăn chất xơ, hoa quả. Hạn chế tiêu thụ muối, thực phẩm lên men, các món chứa phẩm nhuộm, rượu bia…
4. Ung thư da
Dạng nguy hiểm nhất của ung thư da là melanoma – bắt đầu trong một tế bào đặc biệt gọi là melanocytes làm nhiệm vụ sản xuất sắc tố da.
Hiệp hội ung thư Mỹ và Viện da liễu Mỹ khuyên mọi người nên thường xuyên tự kiểm tra da định kì. Nên chú ý khi da có sự thay đổi về hình dạng, màu sắc. Điều trị ung thư da sớm sẽ mang lại hiệu quả cao và da ít bị biến dạng hơn.
5. Cao huyết áp
Nguy cơ đối với bệnh cao huyết áp tăng dần theo tuổi tác, liên quan đến cân nặng và cách sống của bạn. Huyết áp cao có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm mà không hề có triệu chứng trước đó như phình động mạch.
Bệnh cao huyết áp có thể điều trị. Nếu bệnh giảm, các nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, suy thận cũng giảm. Vì thế, nên thường xuyên kiểm tra huyết áp của mình.
6. Mức Cholesterol cao
Mức LDL Cholesterol cao trong máu sẽ gây ra các mảng bám tích tụ trong thành động mạch. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Xơ vữa động mạch có thể tiến triển mà không có triệu chứng trong nhiều năm. Thay đổi lối sống và điều trị thuốc có thể làm giảm cholesterol xấu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Theo các chuyên gia, từ 35 tuổi trở lên, nam giới nên kiểm tra cholesterol thường xuyên.
7. Bệnh tiểu đường tuýp 2
Khá nhiều người mắc tiểu đường mà không hề hay biết. Không kiểm soát được bệnh tiểu đường có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ, bệnh thận, mù lòa do thiệt hại các mạch máu của võng mạc, tổn thương thần kinh và bất lực. Nếu phát hiện sớm, bệnh tiểu đường có thể kiểm soát và tránh được các biến chứng.
Nếu có nguy cơ cao như cholesterol cao hay huyết áp, bạn nên kiểm tra đường huyết sớm và thường xuyên hơn
.
8. Tăng nhãn áp
Nhóm các bệnh về mắt sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù lòa. Vì thế, cần phải kiểm tra mắt thường xuyên để sớm phát hiện các bệnh lý về mắt nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho thần kinh thị giác. Việc kiểm tra mắt cho bệnh tăng nhãn áp dựa vào tuổi tác và nguy cơ cá nhân cao:
– Dưới 40 tuổi: kiểm tra mỗi 2- 4 năm.
– 40 – 45 tuổi: kiểm tra mỗi 1 – 3 năm.
– 55 -64 tuổi: kiểm tra mỗi 1 – 2 năm.
– 65 tuổi trở lên: kiểm tra mỗi 6 – 12 tháng.
Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao bao gồm: người có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp, chấn thương mắt trước đó, sử dụng thuốc steroid.
Theo Afamily