Bệnh nào vận động là thuốc tốt?
Vấn đề cốt lõi trong bệnh tiểu đường là các di chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thoái hóa võng mạc, suy thận, hoại tử đầu chi…
Tai họa tuy vậy không trên trời rơi xuống, cũng không gõ cửa nạn nhân theo kiểu ai cũng như ai. Nguy cơ biến chứng tùy thuộc vào tiến độ điều chỉnh đường huyết sau bữa ăn của tụy tạng. Với người chưa bệnh dù ăn ngọt bao nhiêu thì lượng đường trong máu vẫn trở về định mức bình thường trong vòng 2 giờ sau bữa ăn. Với người bệnh tiểu đường, khoảng thời gian này kéo dài hơn, thậm chí có khi đến cả ngày vẫn chưa xong, vì cơ thể hoặc thiếu insulin, chất có nhiệm vụ đẩy đường từ máu vào bắp thịt và đốt cháy để vừa sinh năng lượng cần thiết cho hoạt động của cơ thể vừa qua đó hạ đường huyết, hoặc cơ thể tuy tạm đủ insulin nhưng lại ở dạng mất hoạt tính.
Vận tốc giảm lượng đường trong máu của người bệnh tiểu đường tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, nghĩa là tùy thuộc vào hiệu quả của liệu pháp, vào nếp sinh hoạt cá biệt (giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng, thói quen vận động…) của mỗi đối tượng. Nói chung, nếu đường huyết của người bệnh đo 2 giờ sau bữa ăn trong khoảng 180 – 200 mg thì có thể yên tâm về mặt biến chứng. Chính vì thế, mọi biện pháp làm sao để đường huyết giảm sau bữa ăn, càng nhanh càng tốt, có ý nghĩa dự phòng. Đó cũng là lý do thầy thuốc có kinh nghiệm với bệnh tiểu đường đã từ lâu không còn đo đường huyết buổi sáng sớm lúc bụng đói, vì trị số này không phản ánh chính xác diễn tiến của bệnh tình và tiên lượng của căn bệnh.
Một trong các biện pháp đơn giản nhưng hữu hiệu để trợ lực insulin chính là vận động sau bữa ăn
Một trong các biện pháp đơn giản nhưng hữu hiệu để trợ lực insulin chính là vận động sau bữa ăn. Bài tập thể dục thể thao buổi sáng sớm đúng là rất cần thiết cho sức khỏe nhưng chưa chính xác trong bệnh tiểu đường mà nên vận động sau mỗi bữa ăn. Đó là lời khuyên quả quyết của chuyên gia ngành nội tiết ở Đại học Basel.
Thầy thuốc bên đó tất nhiên không chỉ nói có sách mà mách có chứng. Mỗi khi vận động, theo kiểu nào cũng được, dù là thể dục thể thao hay quét dọn nhà cửa, cơ thể đều tổng hợp trong khung ruột và trong bắp thịt 2 nội tiết tố mang tên IL-6 và GLP-1. Hai chất này liên minh với nhau để hạ đường huyết, sau đó ổn định đường huyết theo cơ chế vận hành như sau:
– IL-6 ức chế hoạt động của tế bào Alpha trong tụy tạng là thành phần có nhiệm vụ làm tăng đường huyết.
– GLP-1 hưng phấn tiến trình tổng hợp insulin của tụy tạng.
Nhờ tác dụng hỗ tương của 2 chất nêu trên mà insulin cho dù có được tổng hợp ít hơn bình thường vẫn có thể triển khai tác dụng điều chỉnh đường huyết một cách tối ưu. Vận động không hơn nửa giờ sau mỗi bữa ăn để phòng tránh bại liệt, mù mắt, đoạn chi… có khó lắm không? Có đáng làm hay không? Nhiều khi hỏi chỉ để thay câu trả lời rõ như trăng rằm đêm không mây!
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Người lao động)