Thể thủy tinh “lệch khéo”
Thể thủy tinh là chiếc thấu kính sinh học, hội tụ, dẻo như nhựa dẻo, cỡ bằng hạt ngô, treo rất cân sau đồng tử. Nếu nó bị lệch đi rõ rệt thường làm tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc gây cảm giác nhìn khác thường. Nếu bịt mắt lành lại, nhìn riêng bằng mắt bị tai nạn, có thể nhìn một vật thành hai. Qua thể thủy tinh là một hình, qua chỗ thể thủy tinh đã lệch là một hình khác, do khúc xạ khác nhau. Và khi nó đã bị lệch rõ rệt thì ít bị bỏ sót khi soi khám. Thế nhưng với loại lệch nhẹ, lệch kín đáo gọi vui là “lệch khéo” thì có thể bị bỏ qua. Soi khám thấy đồng tử tròn đều, diện mộng mắt phẳng đều, thị lực như mắt bên lành. Thế nhưng bệnh nhân có cảm giác nhìn bị khác thường, nhìn phía nào đó thấy loáng loáng như những giọt nước hoặc làn nước mỏng.
Gần đây, một kỹ thuật viên sửa máy cửa hàng kính tôi làm bị đầu chiếc gậy đâm chéo vào gốc sống mũi, cạnh vùng mắt. Tổn hại vùng bị gậy chọc không rách da, không bầm tím. Bệnh nhân đã đến chuyên khoa mắt khám, không phải vì thị lực giảm hoặc mắt rách thủng gì mà chỉ vì cảm giác nhìn như có các giọt nước sau khi bị gậy chọc gốc mũi. Kết quả chuyên khoa mắt ghi: “Mắt bình thường”. Bệnh nhân nhờ tôi xem lại, tôi cũng không hơn gì, bảo bình thường. Mấy hôm sau hỏi bệnh nhân còn cảm giác nước loang loáng không, bệnh nhân bảo nó vẫn thế. Tôi cho thuốc giãn đồng tử, loại giãn mạnh để khám lại thì thấy thể thủy tinh lệch phía thái dương, các dây treo đã đứt một số, giơ cuống ra như vết áo khâu đứt chỉ. Đo nhãn áp thấy không cao, thị lực tốt nhưng ảo giác làn nước loang loáng thì bệnh nhân phải sống chung với nó. Có điều là mắt bị tổn thương về lâu dài rất dễ chuyển sang đục thể thủy tinh. Nếu sau này lệch chuyển thành đục thì người bệnh nhớ nói với thầy thuốc khám chuyên khoa là trước đây bị lệch thể thủy tinh (để chuyên khoa trù liệu khả năng thoát dịch kính ra ngăn trước khi lấy thể thủy tinh đục). Một điều nữa chúng ta cũng nên biết là các va đập cạnh vùng mắt (trán, gò má, gốc mũi, thái dương) khi bị va đập thẳng hoặc chéo cũng có khi gây lệch thể thủy tinh mắt do lực phản hồi.
Theo SKDS