Phình động mạch não – Quả bom nổ chậm

Kỳ 1: Làm gì khi bệnh nhân bị đột qụy?

Phình động mạch não khi chưa bị vỡ hầu như không có triệu chứng gì. Khi vỡ ra thường gây “chảy máu dưới nhện” – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Nguy cơ bị vỡ có ở tất cả các bệnh nhân phình động mạch não, nhưng không thể biết ai sẽ bị và khi nào sẽ xảy ra. Vì vậy phình động mạch não luôn được coi là quả bom nổ chậm trong não.

Biểu hiện phình động mạch não

Phình động mạch não (PĐMN) là tổn thương phình ra bất thường tại một hoặc nhiều vị trí trên thành động mạch não, thường xuất hiện ở ngã ba của các động mạch vùng nền sọ trong khoang dưới nhện.

Khi chưa vỡ: phần lớn không có triệu chứng, có thể được phát hiện tình cờ khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hoặc chụp mạch vì bệnh khác. Một số ít bệnh nhân có các dấu hiệu chèn ép thần kinh như đau đầu mạn tính, giảm thị lực và thu hẹp thị trường, sụp mi, giãn đồng tử…

Khi bị vỡ: gây chảy máu dưới nhện là chủ yếu, triệu chứng thường đột ngột, cấp tính với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Khởi phát đột ngột với triệu chứng đau đầu dữ dội, kèm theo nôn, buồn nôn, cứng gáy, tăng huyết áp. Các triệu chứng có thể giảm nhanh, nhưng cũng có thể kéo dài. Ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, hôn mê ở các mức độ khác nhau. Có thể kèm theo các triệu chứng thần kinh: sụp mi, bại liệt khu trú, cơn co giật…

 
 PĐMN (chụp mạch) (ảnh trái) và chảy máu dưới nhện (chụp cắt lớp) do vỡ túi phình (ảnh phải).

PĐMN nguy hiểm thế nào?

Hầu hết các PĐMN tồn tại không có triệu chứng, nên chúng ta không thể biết bệnh, đến khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu mới đến bệnh viện. Chảy máu não do vỡ PĐMN thường là chảy máu dưới màng nhện – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề. Có thể vỡ một lần hoặc nhiều lần. Lần sau thường nặng hơn lần trước và không thể biết thời điểm sẽ vỡ lại. Tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao sau vỡ PĐMN.

Làm gì khi bệnh nhân bị đột quỵ não?

Khoảng 1% dân số bị PÐMN và mỗi năm khoảng 1% số PÐMN bị vỡ gây chảy máu dưới nhện. Như vậy ở một địa phương có 1 triệu dân, hằng năm sẽ có khoảng 100 người bị chảy máu dưới nhện do vỡ PÐMN!

Đưa ngay người bệnh đến bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố gần nhất (khi có dấu hiệu đột quỵ não như đột ngột đau đầu dữ dội, ý thức lơ mơ hoặc kích thích vật vã hay hôn mê, co giật hoặc liệt nửa người…, cần gọi ngay xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện, không được để bệnh nhân tại nhà. Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu đến, người thân trong gia đình hoặc cơ quan nên tìm và gọi điện thoại cho bác sĩ quen (nếu có) hoặc trung tâm đột quỵ não đã biết để xin tư vấn. Không được làm các động tác kích thích như ấn huyệt nhân trung, kích thích đau, đánh gió… vì sẽ làm huyết áp tăng lên nhiều hơn, có thể làm nặng thêm tình trạng chảy máu não. Đặc biệt, không được cho bệnh nhân uống thuốc hoặc nước nếu ý thức lơ mơ hoặc hôn mê vì dễ bị sặc gây suy hô hấp. Không mất thời gian đi tìm và cho bệnh nhân uống thuốc Đông y vì các thuốc đó không có tác dụng cấp cứu).

Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được chụp cắt lớp vi tính (CT) não – biện pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên cho biết bệnh nhân bị nhồi máu hay chảy máu não. Chảy máu trong nhu mô não thường do tăng huyết áp hoặc dị dạng động tĩnh mạch não. Chảy máu dưới nhện thường do vỡ PĐMN.

Nếu không có CT hoặc CT không thấy chảy máu dưới nhện nhưng vẫn nghi ngờ có thể chọc ống sống thắt lưng. Dịch não tủy có máu không đông là dấu hiệu của chảy máu dưới nhện. Khi đã được chẩn đoán chảy máu dưới nhện, bệnh nhân cần được chuyển ngay đến bệnh viện trung ương có khả năng chụp DSA và can thiệp mạch máu não càng sớm càng tốt.

Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) – tiêu chuẩn vàng để xác định PĐMN. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh nhân, hình ảnh CT và DSA để quyết định phương pháp và thời điểm can thiệp điều trị triệt để.

Kỳ 2: Phương pháp điều trị

Phình động mạch não (PĐMN) khi chưa bị vỡ hầu như không có triệu chứng gì. Khi vỡ ra thường gây “chảy máu dưới nhện” – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Nguy cơ bị vỡ có ở tất cả các bệnh nhân PĐMN, nhưng không thể biết ai sẽ bị và khi nào sẽ xảy ra. Vì vậy, PĐMN luôn được coi là quả bom nổ chậm trong não.

Phẫu thuật là phương pháp mổ mở, tìm túi phình trong não, kẹp ngang cổ túi bằng kẹp kim loại – Clips (làm tắc túi phình từ bên ngoài).

Can thiệp mạch: là phương pháp điều trị không phẫu thuật, sử dụng các ống thông đi trong lòng mạch, kỹ thuật chủ yếu là “nút PĐMN bằng lò xo kim loại”. Một ống thông dẫn đường kích thước 2mm được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu lên động mạch chủ bụng – ngực và dừng lại ở gốc động mạch tại nền cổ. Một ống thông nhỏ được đưa qua ống dẫn đường để lên não, đầu ống được lái vào giữa túi PĐMN. Qua ống thông đó, các cuộn lò xo nhỏ và mềm (coils) được đưa lần lượt vào lòng túi phình để làm tắc hoàn toàn PĐMN. Toàn bộ quá trình thao tác được kiểm soát bằng màn hình có hiển thị bản đồ mạch máu và ống thông trong lòng mạch một cách chính xác. Sau khi chụp kiểm tra đánh giá kết quả, ống thông được rút ra khỏi động mạch đùi và băng ép vị trí chọc mạch.

 Vị trí phình động mạch não

Những điều cần làm sau điều trị nút PĐMN bằng lò xo kim loại

Nếu là PĐMN chưa vỡ: chỉ cần nằm viện 2-3 ngày. Ngược lại, nếu là PĐMN đã vỡ: cần nằm viện 7-14 ngày hoặc lâu hơn để theo dõi và điều trị tình trạng rối loạn do chảy máu dưới nhện gây ra.

Cần điều trị nội khoa và phục hồi chức năng tích cực nếu có di chứng. Bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống lao động và học tập bình thường sau khi đã hồi phục thể chất và tinh thần. Riêng lao động nặng sẽ được cân nhắc cho từng trường hợp.

Cần kiểm tra lại kết quả điều trị sau 6 tháng và 2 năm bằng chụp mạch máu não DSA hoặc cộng hưởng từ mạch máu MRA để khẳng định túi phình đã được nút kín hoàn toàn. Một vài trường hợp có thể phải nút bổ sung nếu lòng túi phình bị tái thông.

 Quá trình đặt lò xo kim loại điều trị PĐMN.

Tại sao phải cấp cứu khẩn cấp khi bị chảy máu dưới nhện?

Chảy máu dưới nhện do vỡ PĐMN là một tình trạng lâm sàng vô cùng nặng nề, thậm chí có thể gọi là thảm họa, tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao. Túi phình có thể vỡ lại gây chảy máu tái phát bất kể lúc nào sau lần vỡ đầu tiên, nhất là trong 2 tuần đầu, khi đó khả năng cứu sống là rất thấp. Vì vậy, để giảm tối đa khả năng vỡ túi phình tái phát, bệnh nhân cần được xử trí sớm trong vòng 24-48 giờ đầu: chụp mạch não cấp cứu và can thiệp “nút túi phình bằng lò xo kim loại” hoặc phẫu thuật sọ não để “kẹp cổ túi phình”. Sau đó bệnh nhân được tập trung cứu chữa những rối loạn do lần chảy máu đầu tiên gây ra mà không sợ bị chảy máu lại.
TS.Lê Văn Trường (Bệnh viện TW QĐ108)
Theo suckhoedoisong.vn
Từ khóa: ·