Bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ
Dễ quên ký ức gần
Bước đầu tiên của quá trình hình thành trí nhớ là thông tin được ghi nhận thông qua những giác quan, ví dụ như hình ảnh ghi nhận bằng mắt, tai nghe âm thanh… Thông tin được mã hóa, lưu trữ trong não. Sau đó, khi người sử dụng cần bất cứ thông tin nào, não sẽ giúp “truy xuất” từ kho lưu trữ này.
BS Thắng cho biết: “Ở người trẻ, giảm trí nhớ thường liên quan nhiều đến quá trình ghi nhận. Con người ngày nay có hàng ngàn việc để nhớ, kèm theo áp lực công việc gây ra nhức đầu, đau nhức vai cổ, mất ngủ, stress… Hậu quả của một hoặc tất cả nguyên nhân trên làm cho độ tập trung kém đi và “khổ chủ” không nhớ những chuyện đã xảy ra xung quanh. Ngoài ra, sự ghi nhận thông tin kém còn có thể do một số bệnh lý như cận thị, khi tầm nhìn bị mờ ảo và có giới hạn. Hoặc khi ghi nhận rồi, quá trình lưu trữ lại bị trục trặc do những sang chấn trong cuộc sống làm tổn thương não như nghiện rượu, chấn thương sọ não”.
Chính vì vậy, việc giảm trí nhớ ở người trẻ thường là giảm trí nhớ gần, mới xảy ra hay còn gọi là trí nhớ công việc. Nhiều bệnh nhân thường than phiền với BS rằng, ra khỏi nhà một lúc lại băn khoăn không biết đã đóng cửa sổ chưa, tắt bếp ga, tắt máy tính chưa… Tại Phòng khám Trí nhớ, BV ĐH Y Dược TP.HCM, không ít bệnh nhân trẻ tuổi cho biết, họ rất hay quên. Ví dụ, đang tính làm một việc gì đó, quay qua quay lại một lúc sau đã quên bẵng mình đang muốn làm gì; để đồ ở đâu tìm không ra… Các chuyên gia y tế cho rằng, đây có thể là hiện tượng của người bắt đầu bước vào giai đoạn stress hoặc rối loạn trầm cảm. Bản chất của trầm cảm là khiến người bệnh thờ ơ, không chú ý đến xung quanh, giảm sự quan sát, có cảm giác mất năng lực trong cuộc sống. Do đó, bệnh nhân trầm cảm không buồn để ý đến bất cứ thứ gì, và đương nhiên sẽ không nhớ.
Bên cạnh đó, việc suy giảm trí nhớ của người trẻ còn do việc lạm dụng các loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ Amitryptilin, một số thuốc chữa động kinh cho trẻ em, nhóm thuốc corticoid (nhất là ở bệnh nhân hen suyễn). Ngoài ra, có những dạng không phải là bệnh lý giảm trí nhớ mà người ta gọi là tật đãng trí. Đó là những người làm gì cũng nhanh, nói nhanh trong một khoảng thời gian ngắn… dẫn đến thông tin vào não nhiều quá, không thể kiểm soát nổi. Nhưng những hiện tượng này không tăng lên theo thời gian.
Tăng trí nhớ: thu xếp gọn gàng cuộc sống
BS Thắng khuyến cáo: “Khi bắt đầu có những rối loạn về trí nhớ gần, người bệnh cần phải xác định được đó là biểu hiện bình thường hay bệnh lý. Biểu hiện bình thường nếu chỉ thỉnh thoảng mới quên. Suy giảm trí nhớ trở nên nặng hơn nếu việc quên này trở thành quên hoàn toàn, ngay cả khi được gợi nhớ. Ví dụ, bạn ngỏ ý mượn cuốn sách hôm trước, hôm sau nhìn thấy mặt bạn, người đó vẫn không nhớ ra việc được hỏi mượn sách… Việc bị quên ngày càng tăng lên nhiều hơn, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống, người bệnh phải đi tham vấn, kiểm tra tại các phòng khám trí nhớ ở các BV. Tại đây, các chuyên gia sẽ xác định, sự giảm trí nhớ này là lành tính hay bệnh lý, suy giảm nhận thức nhẹ hay sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ ở người trẻ (40 – 60 tuổi) có thể do các tổn thương não vì tai nạn giao thông, hoặc do một số thể bệnh Alzheimer có tính chất gia đình hoặc do đột biến gien; hay sa sút trí tuệ do tai biến mạch máu não hoặc nghiện rượu”.
Để duy trì trí nhớ, đầu tiên chúng ta phải loại bỏ những yếu tố nguy cơ gây ra chuyện “quên” bằng cách thu xếp công việc ngăn nắp, tránh căng thẳng stress, hạn chế tối đa hút thuốc lá và uống rượu. Đặc biệt, rượu có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ rất nhiều. Khi có những biểu hiện mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, đau đầu mất ngủ…, bệnh nhân phải đi khám để điều trị căn nguyên. Tập thể dục thường xuyên cũng là một trong những phương cách cải thiện trí nhớ. Đây là cách hữu hiệu với những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ, kể cả trẻ em và người lớn gặp vấn đề về khả năng tập trung, những người bị khiếm khuyết năng lực học tập và các nạn nhân của chấn thương sọ não hoặc đột quỵ. Những người trẻ cũng phải tập luyện khả năng ghi nhớ bằng cách tăng cường quan sát, ghi nhận: quan sát các đồ vật xung quanh bằng mắt, dùng trí tưởng tượng để liên hệ, so sánh, ghi chép những việc cần làm…