Cẩn trọng khi trị viêm âm đạo do nấm Candida

Xin hỏi bác sĩ, nên vệ sinh vùng kín hằng ngày bằng dung dịch gì để không bị khô âm đạo và làm sao để hết huyết trắng và phòng nhiễm nấm.

Hỏi: Kính chào bác sĩ. Tôi 30 tuổi, đã mổ thai ngoài tử cung (cắt tai vòi phải sát góc tử cung) đến nay được 5 tháng. Dù vệ sinh vùng kín rất kỹ nhưng tôi bị nhiễm nấm Cadida đến 3 lần và huyết trắng ra liên tục, từ đó đến nay không hết.

Tôi luôn có cảm giác âm đạo mình luôn nóng và khô. Xin hỏi bác sĩ, nên vệ sinh vùng kín hằng ngày bằng dung dịch gì để không bị khô âm đạo và làm sao để hết huyết trắng và phòng nhiễm nấm. Hiện tôi đã điều trị hiếm muộn 2 năm và đang rất mong con. Cảm ơn bác sĩ (thuhang)

Tình trạng nhiễm nấm âm đạo thường gây ngứa ngáy, nóng rát khó chịu. (Ảnh minh họa)

Trả lời:

Chào bạn, bạn bị viêm âm đạo do nấm Candida nhiều lần và đến nay vẫn chưa khỏi thì cần được giải quyết. Tình trạng nhiễm nấm âm đạo thường gây ngứa ngáy, nóng rát khó chịu. Bạn cần đến bác sĩ chuyên về sản phụ khoa để điều trị. Điều trị nấm tuy không khó nhưng cần tuân thủ về liều dùng, đường dùng và thời gian sử dụng. Dùng thuốc kháng nấm bao gồm đường uống, thoa tại chỗ vùng âm hộ, đặt thuốc kháng nấm đường âm đạo. Nếu bị tái phát nhiều lần thì cần phải điều trị cho cả bạn tình. Sau khi trị hết viêm, âm đạo sẽ không còn triệu chứng nóng, khô rát hoặc ngứa nữa; khi đó, bạn có thể dùng nước sạch là được.

Bạn cần giữ vùng kín luôn sạch sẽ, khô và thoáng. Tránh mặc quần quá chật, ôm sát vào người. Nên chọn loại vải có tính hút ẩm cao như coton. Khi vệ sinh vùng âm hộ nên rửa từ trước ra sau (tránh đưa nấm từ hậu môn ngược lên vùng âm hộ) và lau khô (tránh dùng các loại giấy có tẩm các dung dịch khử mùi). Tránh thụt rửa âm đạo vì sẽ gây mất cân bằng sinh thái trong âm đạo. Một người phụ nữ khỏe mạnh thì trong âm đạo luôn có một loạt vi khuẩn “tốt” tạo nên môi trường có tính axit, giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn bất thường gây viêm âm đạo.

Ngoài ra, việc sử dụng các dung dịch sát khuẩn có thể gây kích ứng da vùng âm hộ âm đạo, tạo nên tiết dịch âm đạo và khó chịu vùng âm hộ kéo dài. Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt; khi hành kinh cũng như trong quan hệ tình dục, bạn cũng nên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất, luôn giữ sức khỏe thể chất và tinh thần tốt thì có sức đề kháng chống lại một số bệnh viêm nhiễm như nấm và tạp trùng.

Chúc bạn mau khỏe và có baby như mong đợi.

Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng khoa Sản A, BV Từ Dũ TP.HCM