Bệnh nấm candida có thể “công phá” cơ quan nội tạng

Căn bệnh này không chỉ biểu hiện ngoài da mà còn tạo nên các vết loét hoặc giả mạc trong thực quản, dạ dày, ruột hay bộ phận sinh dục nữ. Tuy không gây tử vong nhưng bệnh thường tái nhiễm dai dẳng, gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Candida là một loại nấm men, ký sinh trên bề mặt của da và niêm mạc, biểu hiện lâm sàng dưới dạng nấm miệng, vết trợt, viêm âm hộ, âm đạo, viêm quanh móng… Bệnh thường lan tỏa qua đường máu, có thể gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như thận, lách, phổi, gan, mắt, màng não, não hoặc xung quanh van tim nhân tạo…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đề, Phó trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương), cho biết, bệnh nấm candida không chỉ lây qua đường tình dục mà còn lây qua tiếp xúc (từ vết thương), lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở và tự lây lan bên trong. Vi khuẩn lây truyền từ dịch tiết ở miệng, da, âm đạo và phân người bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh thường không cố định; đối với bệnh nấm miệng ở trẻ em, thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Sự tái phát bệnh nấm candida ở da và niêm mạc thường lặp đi lặp lại nhiều lần nếu không được điều trị theo đúng phác đồ và liệu trình.

Các dạng nấm candida thường gặp

– Nấm miệng: Thường là tổn thương lành tính, xảy ra trong một vài tuần đầu của trẻ sơ sinh. Biểu hiện lâm sàng xuất hiện khi sức đề kháng của cơ thể kém.

– Nấm âm đạo: Thường gặp ở những phụ nữ tiếp xúc với nước bẩn hoặc sử dụng viên đặt âm đạo kháng sinh kéo dài.

– Nấm móng: Xuất hiện nhiều ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với nước như công nhân giặt là, chế biến thủy hải sản, đóng gói đồ hộp…

Ngoài ra, những người béo cũng hay mắc bệnh nấm candida, biểu hiện bằng các vết trợt ở những nếp da mềm và ẩm ướt.

Những đối tượng dễ mắc bệnh

– Bệnh nhân tiểu đường, người nhiễm HIV.

– Người dùng lâu ngày các kháng sinh phổ rộng hoặc dùng các hoóc môn tuyến thượng thận với liều cao.

– Phụ nữ có thai 3 tháng cuối bị nấm âm hộ, âm đạo.

– Bệnh nhân phải đặt ống luồn tĩnh mạch lâu ngày, giảm bạch cầu trung tính; người mắc bệnh máu ác tính và trẻ sơ sinh thiếu cân. Người phải đặt ống thông bàng quang hoặc bể thận lâu ngày cũng dễ bị nhiễm nấm candida đường tiết niệu.

Cách điều trị:

Trước hết, cần loại bỏ các yếu tố thuận lợi cho bệnh nấm candida như dừng đặt ống thông, thường xuyên vệ sinh ở phụ nữ, ngừng mọi hoạt động tiếp xúc với nước… Sau đó, tùy từng dạng bệnh, có thể áp dụng các cách điều trị đặc hiệu:

– Các loại nấm nông: Dùng nistatin hoặc một trong các biệt dược của azole.

– Nấm miệng: Uống viên Chotrimazole hoặc dùng nhũ dịch nistatin.

– Nấm da, niêm mạc miệng, thực quản và âm đạo (đặc biệt là ở bệnh nhân HIV): Dùng Ketoconazole dạng uống (Nizoral) hoặc fluconazole (Diflucan).

– Nấm candida nhiễm trùng âm đạo: Dùng fluconazole uống hay clotrimazole, miconazole, butoconazole, terconazole, tioconazole hoặc nistatin…

Đối với những người bị tái nhiễm nhiều lần, cần phải tìm các yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, các bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch… Bệnh nhân cần được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa để đánh giá tình hình bệnh và điều trị theo phác đồ riêng biệt.

Theo Laodong

Từ khóa: