Trầm cảm – Những triệu chứng… cần nhập viện

Ước tính có khoảng 3-5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong cuộc đời là 15-25%. Những triệu chứng của trầm cảm cần được phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.

Bệnh trầm cảm gây ra chi phí to lớn trong xã hội và nhiều người bệnh chưa được phát hiện, chữa trị kịp thời. Nó gây nguy hiểm cho sức khoẻ, làm suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp cho người mắc phải; gây tổn thất cho gia đình người bệnh, cho xã hội, là nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tự sát, các tai nạn lao động và giao thông. Có nhiều người không được phát hiện, chữa trị kịp thời nên đã tìm lối thoát đến rượu, ma tuý, thậm chí đến cái chết.

Nhiều nghiên cứu ở lĩnh vực này cho thấy, trầm cảm cũng rất dễ gặp ở trẻ em, nhất là tuổi dậy thì là giai đoạn các em có nhiều biến đổi về tâm sinh lý.
Trẻ em bị trầm cảm khó thích nghi với môi trường xung quanh, không còn thấy hứng thú, thích ứng được với học tập, trở nên khó bảo, có hành vi hỗn loạn ở gia đình và nhà trường: thích đua xe, bỏ học, dễ bị lôi kéo vào nghiện ngập, dễ vướng vào các tệ nạn xã hội… Các em rất cần được tư vấn, trị liệu kịp thời.
Những biểu hiện sau cần được đặc biệt chú ý:

– Bị suy sụp tinh thần, mất động cơ, sáng kiến.

– Mất niềm vui cuộc sống.

– Cảm giác tuyệt vọng về tương lai.

– Cảm giác không ai giúp đỡ được mình, phó mặc cuộc đời.

– Cảm giác có tội và tự trách bản thân trong tất cả các hoàn cảnh khó khăn (ngay cả khi sự trùng hợp rất nhỏ).

– Có ý nghĩ làm hại bản thân, nghĩ cách chấm dứt cuộc sống.

– Chán ăn, ăn ít, ăn không ngon.

– Rối loạn giấc ngủ – khó vào giấc ngủ, thức giữa đêm không ngủ được nữa hoặc ngủ quá nhiều.

– Chậm chạp trong suy nghĩ và vận động.

– Giảm ham muốn và hoạt động tình dục.

– Táo bón, nhức đầu, vô kinh hay những dạng đau hay khó chịu khác…

Theo Giadinh