Dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ
Dị ứng thực phẩm không phải là chuyện hiếm. Một điều tra tại TP.HCM cho thấy có tới hơn 20% trẻ em bị mắc chứng mẫn cảm với một số loại thực phẩm nào đó.
Đó là phản ứng tiêu cực với thực phẩm xảy ra do cơ thể không chấp nhận một loại thực phẩm nào đó. Dị ứng thức ăn có thể xảy ra với nhiều triệu chứng khác nhau, như ngứa ngáy, nổi mẩn trên da, mề đay, mắt sung huyết, miệng và môi bị sưng lên, hoặc nôn ói, đầy bụng và có thể tiêu chảy. Trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp gây khó thở. Tùy theo cơ địa từng người, dị ứng có thể xảy ra rất nhanh, trong vòng vài phút sau khi ăn uống thực phẩm, hoặc có thể xảy ra chậm sau khi ăn uống một thức ăn nào đó một thời gian dài.
Cơ thể từng người có thể phản ứng khác nhau đối với các loại thực phẩm khác nhau, có người bị dị ứng với loại thực phẩm này nhưng lại không hề dị ứng với loại thực phẩm khác.
Một số thực phẩm dễ gây dị ứng
Hải sản: Các loại hải sản là tác nhân gây dị ứng nhiều nhất, bao gồm một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao (cá trích, cá chình, lươn, cá tầm, cá ngừ, cá thu, cá marlin, cá kiếm…), nghêu sò, tôm, cua…
Thực phẩm chua: Thật ngạc nhiên khi các loại trái cây có vẻ rất hiền lành và rất tốt cho sức khỏe như dâu tây, cà chua… lại có thể là tác nhân gây dị ứng thực phẩm ở trẻ, nguyên do là hàm lượng axít cao. Nhiều em bé ăn những thực phẩm này thường bị mẩn đỏ quanh miệng. Đây là loại dị ứng nhẹ, bác sĩ khuyên các trẻ dưới một tuổi không nên ăn đồ chua.
Trứng: Trong lòng trắng trứng gà có một loại protein có thể gây dị ứng cho một số bé mẫn cảm với loại chất này.
Một số loại rau xanh: Một số loại rau xanh có hàm lượng nitrat cao có thể phản ứng không tốt với cơ địa của trẻ nhỏ. Do vậy, trẻ nhỏ nên thận trọng khi ăn các loại rau xanh này: rau bina, củ cải, cà rốt, củ cải xanh.
Ngũ cốc: Trong số ngũ cốc có thể gây dị ứng thì lạc (đậu phộng) đứng đầu bảng, hậu quả xấu đặc biệt với trẻ bị hen suyễn. Kế đến là đậu nành và lúa mì. Mới đây các nhà khoa học còn tìm ra trẻ có cơ địa dị ứng còn có thể bị dị ứng bởi khoai tây.
Sữa bò: Dị ứng sữa bò cũng không hiếm gặp. Đó là tình trạng cơ thể của trẻ mẫn cảm với thành phần đạm sữa bò, gây ra phản ứng dị ứng. Dị ứng xảy ra có thể rất đột ngột: ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù, hay nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân. Cũng có trường hợp dị ứng diễn ra khó phát hiện hơn như trẻ khó chịu, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy… nên cha mẹ khó đoán bệnh, vì hay nhầm với các triệu chứng bệnh lý khác.
Bên cạnh dị ứng sữa thực sự thì có những phản ứng với thực phẩm do “không dung nạp thức ăn”: cơ thể trẻ không dung nạp đường lactose trong sữa. Trong số các loại dị ứng, dị ứng sữa bò ở trẻ nhỏ khiến các phụ huynh lo lắng nhất vì đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ.
Cách phòng tránh dị ứng cho trẻ
Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về lĩnh vực dị ứng ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm nói chung và dị ứng sữa bò nói riêng, cũng như tại sao lại có một số trẻ bị dị ứng còn một số trẻ khác lại không.
Nếu trẻ bị dị ứng thực phẩm, cha mẹ cần quan tâm đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng của trẻ, cả ở nhà lẫn ở trường. Trước hết, hãy theo dõi để biết trẻ mẫn cảm với loại thực phẩm nào. Khi đi mua thực phẩm cho trẻ, hãy đọc kỹ các thành phần của sản phẩm. Tất cả những người trông nom con bạn (kể cả cô giáo) cần được thông báo về tình trạng dị ứng này.
Tư vấn bác sĩ để có cách chăm sóc trẻ và chuẩn bị một số thuốc men cần thiết tại nhà. Sau một thời gian, có thể tình trạng dị ứng sẽ hết đi, nhất là trong trường hợp dị ứng sữa và trứng.
Hà An (Thanh niên)