Chấn thương mắt ở trẻ em

Nhanh nhẹn và hiếu động là biểu hiện của những đứa trẻ thông minh, nhưng sự hiếu động đó không được chăm sóc, quản lý sẽ dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, gây hậu quả khó lường. Theo thống kê của BV Mắt – TP.HCM, tỷ lệ bệnh nhân bị chấn thương mắt chiếm khoảng 20% trên tổng số bệnh nhân nhập viện.

Trong số bệnh nhi nhập viện năm 2005 có 592 trường hợp chấn thương mắt trên tổng số 2.937 bệnh nhi, chiếm 20%. Những con số này còn chưa kể đến các trường hợp chấn thương nhẹ không cần nhập viện, chỉ sơ cứu hoặc điều trị ngoại trú. Tất cả những trường hợp chấn thương này ít nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng nhìn của trẻ. Đối với các chấn thương xuyên thủng, tỉ lệ hồi phục thị lực sau điều trị gần như không đáng kể, mất thị lực hoàn toàn, hay phải bỏ mắt chiếm một tỉ lệ không nhỏ.

NGUYÊN NHÂN CHẤN THƯƠNG MẮT Ở TRẺ EM RẤT ĐA DẠNG
Trẻ chơi những đồ chơi nguy hiểm như dao, kéo, kiếm, bắn ná, súng hơi.
Trẻ vô tình hoặc dùng những dụng cụ học tập có cạnh sắc nhọn như bút chì, viết, thước kẻ đánh nhau, hoặc ném phấn vào nhau…
Trẻ chơi với các động vật bị chó cắn, mèo quào vô mắt. Nhiều trường hợp trẻ ở nông thôn bị chim hoặc cò mổ vô mắt vì trẻ đứng xem sát vào lồng chim.
Do người lớn ẩu đả trúng vào trẻ.
Do những bất cẩn từ người lớn: Để hóa chất, dầu sôi, nước sôi trong tầm với của trẻ, nhỏ lộn thuốc vào mắt…
Ngoài ra còn có nguyên nhân do tai nạn giao thông, lao động.

HẬU QUẢ CHẤN THƯƠNG MẮT
Tổn thương của mắt rất đa dạng và tùy thuộc vào nguyên nhân của chấn thương, nhẹ thì ảnh hưởng đến thẩm mỹ của mắt như rách da mí, rách kết mạc. Nặng hơn thì có thể dẫn tới đứt lệ quản, thủng giác mạc, vỡ nhãn cầu, tổn thương thần kinh của mắt, nhiễm trùng mắt hậu quả là để lại sẹo giác mạc gây giảm thị lực vĩnh viễn hay có khi phải múc bỏ mắt.

CÁCH XỬ LÝ – NGUYÊN TẮC CHUNG
Không để trẻ dụi tay vào mắt.
Giảm đau cho trẻ: Nhỏ thuốc tê. Nếu trẻ không có chấn thương đầu đi kèm thì có thể dùng thêm thuốc giảm đau đường uống cho trẻ.
Băng kín mắt trẻ rồi chuyển tới cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất.
Trong trường hợp bỏng hóa chất, tuyệt đối không trung hòa acid bằng bazơ và ngược lại. Rửa sạch hóa chất khỏi mắt trẻ bằng thuốc nhỏ mắt nước muối sinh lý, nếu không có nước muối thì rửa sạch mắt trẻ dưới dòng nước máy chảy liên tục ít nhất 5-10 phút.
Trong trường hợp bỏng vôi sống thì không được rửa nước. Gắp càng nhiều vôi sống ra khỏi mắt càng tốt và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất.

PHÒNG TRÁNH
Cha mẹ nên tránh cho trẻ đến những nơi nguy hiểm như: Cầu thang, nhà bếp, ổ cắm điện và những vật nóng như dầu sôi, nước sôi, nhang đèn.
Cần chú ý tránh cho trẻ chơi những đồ chơi nguy hiểm, nhọn như dao, kéo, kiếm, súng, ná, nghịch vôi sống.
Hướng dẫn cho trẻ sử dụng các dụng cụ học tập an toàn, tránh để hóa chất văng vào mắt trong lúc làm thí nghiệm.
Để xa tầm tay trẻ những hóa chất độc cho mắt như thuốc ngoài da, các loại dầu.
Đề phòng những bất cẩn từ người lớn như nước sôi, xăng dầu.
Không được cho trẻ chơi với chó, mèo, chim, cò khi không có sự giám sát chặt chẽ của người lớn.

Theo Bác sỹ Nguyễn Như Quân – SK&DS