Khi bé hay mút tay…

Bản năng bú mút tự nhiên sẽ dẫn đến việc trẻ thường mút tay trong những tháng đầu đời, thậm chí từ trước khi sinh. Trẻ có thể mút ngón tay, bàn tay hoặc những phần khác của cơ thể. Tuy nhiên sau 6 tháng đầu tiên, phản xạ bú mút sẽ giảm. 70-90% trẻ em có thói quen mút ngón tay cái, nhưng hầu hết sẽ tự động bỏ lúc 3-5 tuổi.

Vì sao bé mút tay?

Trẻ nhũ nhi thường mút ngón tay vì điều đó làm bé thấy dễ chịu và có cảm giác bình yên. Vì thế một số trẻ sẽ duy trì thói quen này đến lớn. Lúc này trẻ sẽ ngậm tay khi mệt mỏi, sợ hãi, buồn chán, buồn ngủ, bị bệnh hay lo lắng, căng thẳng. Lắm lúc trẻ phải mút tay để đi vào giấc ngủ và mỗi khi trở mình lúc nửa đêm.

Mút tay có gây hại cho bé?

Hiệp hội Nha khoa của Mỹ đã có các nghiên cứu cho thấy đa số trẻ có thể an toàn khi mút ngón tay của chúng. Trẻ có thể chỉ ngậm ngón tay một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn trên 5 tuổi, có động tác mút mạnh liên tục hoặc dùng lưỡi đẩy… thì có thể gây ra một số tổn thương ở răng và hàm, dẫn đến tình trạng biến dạng răng, hàm bị hô (răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (một hàm đưa vào trong), lệch khớp cắn, khó phát âm… cần phải chỉnh nha sau này.

Xử trí khi bé mút tay

Bạn cứ lờ đi nếu trẻ nhỏ dưới 3 tuổi vì hầu hết trẻ sẽ tự bỏ thói quen này. Tuy nhiên bạn nên can thiệp trong những trường hợp sau:

– Trẻ ngậm luôn cả tóc, đặc biệt trẻ từ 12-24 tháng.
– Tiếp tục “bú tay” với cường độ mạnh sau 4-5 tuổi.
– Trẻ yêu cầu bạn giúp bỏ mút tay.
– Trẻ có vấn đề về răng miệng và phát âm do mút tay gây ra.
– Trẻ biết bối rối, xấu hổ với người khác vì mút tay…

Thường việc điều trị nên thực hiện ở nhà với sự quan tâm của bố mẹ. Cần hạn chế thời gian và không gian nơi trẻ có thể mút tay. Hãy giải thích cho trẻ hiểu về những tác hại của mút tay (dơ, vi trùng vào bụng, hư răng, xấu xí, nói ngọng…).

Có thể đeo găng tay, băng dính vào ngón tay, băng vải cho trẻ để nhắc trẻ nhớ không mút tay. Cũng có thể sử dụng một ít chất bôi không độc hại như dầu xanh…

Nếu ngón tay trẻ bị đỏ và nhăn nheo, trầy trụa, bạn có thể bôi lên đó một ít dầu hay kem giữ ẩm khi trẻ đang ngủ.

Không la mắng hay trừng phạt trẻ, bởi trẻ thường không biết là nó đang ngậm tay. Hơn nữa, càng ngăn cấm thì càng làm cho mong muốn mút tay của trẻ tăng lên.

Đôi khi trẻ tự bỏ thói quen mút tay khi tìm ra một cách khác để giữ bình tĩnh hoặc tìm sự thoải mái. Ví dụ như trẻ nhỏ đói thì bú tay, khi lớn lên bị đói sẽ vào mở tủ lạnh… Vì vậy cần quan sát xem trẻ mút tay khi nào và ở đâu để giúp trẻ, chẳng hạn có thể cho trẻ cầm một trái banh nhựa nhỏ trên tay để trẻ có cảm giác thoải mái, cho trẻ nghỉ giữa giờ khi mệt mỏi, hướng sự chú ý của trẻ đến một chuyện khác…

Nếu những cố gắng trên của bạn không giúp đuợc trẻ, hãy đưa trẻ đến khám tại các khoa nhi chuyên về tâm lý trẻ em.

BS ĐÀO THỊ YẾN THỦY