Sự sống mong manh của bé 3 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng

Bị bệnh tim bẩm sinh, lại không có lỗ hậu môn, các bác sỹ khuyên chị Mẫn nên đưa bé ra Hà Nội phẫu thuật, nếu không chỉ cầm cự được không quá 2 ngày. Không có tiền, chị Mẫn ôm con về để người nhà nhìn mặt lần cuối…

3 tháng kỳ diệu đã giúp cậu bé vượt qua lời dự báo của bác sỹ. Từ cái tên Ngô Văn Hưng, bé được đổi thành Ngô Thiên Phước – với niềm hi vọng nhờ có phước trời, bé sẽ giữ được tính mạng của mình.

Hôm tôi đến Thiên Phước đã được 3 tháng 10 ngày nhưng nhìn bé chẳng lớn hơn cái chai đựng nước bao nhiêu. Tay chân bé xíu khua khoắng, quẫy đạp, tiếng khóc như đã lạc đi, người tím tái. Ôm đứa con nhỏ lọt thỏm trong tay, chị Nguyễn Thị Mẫn (SN 1985) nghẹn ngào khi nói về gia cảnh mình.

Sự sống mong manh của bé 3 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng

Mang trong mình trọng bệnh nên hơn 3 tháng tuổi nhưng bé Thiên Phước chỉ nhỉnh hơn chiếc chai đựng nước.

Chị Mẫn vào Đồng Tháp làm thuê và bén duyên với chàng trai miệt sông nước Ngô Văn Phúc. Hai đứa con gái lần lượt ra đời, đồng lương công nhân và thợ hồ không đủ để trang trải cuộc sống nên chị Mẫn gửi 2 cháu về nhờ bà ngoại nuôi giúp khi mới gần 2 tuổi. “Lần mang bầu thứ 3 này siêu âm là con trai, vợ chồng em mừng lắm. Vậy là có nếp, có tẻ rồi. Bà nội qua đời từ lâu, bà ngoài bận hai đứa nhỏ nên em quyết định về quê sinh nở, vừa có người chăm sóc, đỡ dần, vừa tiết kiệm được chi phí”, chị Mẫn kể.

Cuộc hạ sinh an toàn, bé trai nặng 2,5kg. Chưa kịp vui mừng với niềm hạnh phúc đón thành viên mới thì chị Mẫn được bác sỹ cho biết nhịp tim của bé không bình thường nên chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh để kiểm tra cụ thể hơn. Tại đây, sau khi kiểm tra, các bác sỹ cho biết bé mắc bệnh tim bẩm sinh “hẹp hở van động mạch chủ nặng do dị vật van, thông liên thất, ống động mạch lớn”.

Bà Nguyễn Thị Lý – mẹ chị Mẫn tiếp lời: “Nghe cháu bệnh nặng, chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Đang hoang mang không biết lấy tiền đâu để chạy chữa thì bác sỹ yêu cầu gia đình đi mua ống xông vì cháu uống sữa vào cứ nôn. Lúc đó, mọi người mới phát hiện cháu không có lỗ hậu môn nên không tiêu hóa được”.

Sự sống mong manh của bé 3 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng

Ngoài bệnh tim bẩm sinh thể nặng, Thiên Phước không có lỗ hậu môn nên bác sỹ phải mở hậu môn nhân tạo cho bé.

Thiên Phước được mở hậu môn nhân tạo bên hông để giải quyết các nhu cầu cơ bản của cuộc sống và chờ đợi sức khỏe cho phép cũng như đủ kinh phí để làm phẫu thuật thông hậu môn. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất đối với tính mạng của bé lúc này là giải quyết những khiếm khuyết về tim. “Các bác sỹ bảo gia đình nên chuyển cháu ra Hà Nội để phẫu thuật, càng sớm càng tốt, nếu không cháu không cầm cự được quá 2 ngày. Nghe bác sỹ nói mà em chỉ biết khóc. Muốn đi Hà Nội phẫu thuật thì phải có tiền, nhiều tiền nữa là đằng khác, còn em có gì trong tay đâu? Bất lực, em đành ôm con về để mọi người nhìn mặt cháu lần cuối”, chị Mẫn sụt sùi.

Ngày chị Mẫn sinh con, anh Phúc vẫn đang bám trụ ở miền Nam để kiếm tiền. Nghe tin con bị bệnh hiểm nghèo, anh tức tốc bắt xe về quê ngoại. Nhưng dường như khát khao sống của hài nhi bé bỏng có nhiều khiếm khuyết trong cơ thể mạnh mẽ hơn lời tiên đoán của vị bác sỹ. Thiên Phước vẫn tồn tại, như thể để đương đầu với số phận khắc nghiệt của mình.

Thiên Phước cứ sống, lay lắt và khó nhọc bởi những cơn đau tim hành hạ đến tím tái. Cơ thể bé hầu như không phát triển gì thêm, cứ bé xíu như lúc mới sinh. Cái sự ăn đối với Phước cũng nhọc nhằn lắm, chiếc miệng bé xíu há ra cố gắng ngậm lấy đầu vú mẹ nhưng vội vã nhả ra bởi cơn co thắt ở tim khiến bé không thể thở được. Bữa ăn của Phước là một cuộc chiến đấu thực sự của hai mẹ con.

Sự sống mong manh của bé 3 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng

Mỗi lần giải quyết nhu cầu tối thiểu của con người là mỗi lần cơ thể nhỏ bé này phải chịu đau đớn khiến bé khóc thét lên.

Hậu môn mới được mở bên hông cũng khiến Thiên Phước đau đớn. Chị Mẫn và bà Lý phải thay nhau làm vệ sinh, tránh không để nhiễm trùng vết mổ. Mỗi lần làm vệ sinh, thay băng, Phước lại khóc ré lên vì đau. Tiếng khóc cứ dai dẳng, khào khào nghe đến buốt cả lòng. Nhiều đêm, Phước gần như khóc đến sáng, thành ra, ông bà ngoại cùng chị Mẫn phải thức thâu đêm.

“Các bác sỹ bảo muốn giữ tính mạng của cháu chỉ có cách phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nhưng lấy đâu ra tiền mà phẫu thuật bây giờ. Anh Phúc đi làm thợ hồ, ngày được 120-150 nghìn, hôm nào công cao thì được 200 nghìn, chắt bóp lắm cũng chỉ gửi cho mấy mẹ con bà cháu 2 triệu đồng/tháng. Hôm trước em gọi điện bảo anh gửi ít tiền để đưa con đi Hà Nội mà anh vẫn chưa ứng được tiền. Có cách nào cứu con em không chị ơi…” người mẹ bật khóc cầu cứu.

Thương con, thương cháu nhưng gia cảnh ông bà Lý cũng nghèo. Ông kiếm đồng ra đồng vào bằng nghề thợ mộc, bà làm ruộng, lại nuôi 2 đứa con đang đi học. Gả chồng rồi nhưng thương con, thương cháu, ông bà “ôm” lấy tất. Bà Lý kể: “Vừa rồi thằng thứ 4 đậu ĐH ngoài Hà Nội nhưng tôi đành bảo nó nghỉ học. Nó khóc, không chịu, thương con quá, tôi đành vay mượn cho nó nhập học.

su-song-mong-manh-cua-be-3-thang-tuoi-mac-benh-tim-bam-sinh-nang

Cậu bé được đưa từ bệnh viện về để mọi người nhìn mặt lần cuối đang chiến đấu để được sống nhưng sự sống của bé hết sức mong manh khi bố mẹ quá nghèo.

Thằng Phước bị như thế này, thật tình chúng tôi không biết phải làm răng. Đằng nội nó ở trong Nam cũng nghèo túng quá. Con mình, cháu mình thì mình phải lo thôi. Chỉ mong có phép màu để nó cầm cự được đến khi gia đình vay mượn được đủ tiền cho cháu nó phẫu thuật”

Thằng bé nằm im, gối đầu trên vai mẹ thở một cách khó nhọc. Nó đưa bàn tay bé xíu lên miệng ngậm rồi chép chép miệng ra chiều đã đói lắm rồi nhưng mẹ vừa đỡ xuống cho bú, nó lại khóc ré lên, mặt tím tái hết cả lại. Nó quẫy đạp khiến miếng băng dán nơi lỗ hậu môn nhân tạo xe dịch rơi ra, chị Mẫn lật đật vệ sinh, thay băng cho con. Người mẹ nước mắt lưng tròng, vừa làm, vừa nựng con. Thằng bé vẫn khóc như xé lòng người khác. Cuộc chiến đấu sinh tồn của nó đang chờ đợi phép màu của những tấm lòng hảo tâm.

Theo Dân Trí