Tìm hiểu về tuổi thọ của “nàng trứng” và “chàng tinh binh”
Trứng sống được khoảng 12-24 giờ sau khi rụng trong khi tinh trùng có thể tồn tại tối đa 7 ngày.
Một kỳ kinh nguyệt dài bao lâu?
Độ dài của một chu kỳ phụ thuộc vào từng phụ nữ và từng thời điểm khác nhau. Một vòng kinh trung bình ở nữ giới là khoảng 28-30 ngày. Với những phụ nữ có chu kỳ kinh ngắn hoặc dài hơn thì ngày rụng trứng có thể bị dao động. Khi đó, khả năng thụ thai cũng thường bị xáo trộn theo; chẳng hạn, nếu chu kỳ của bạn là 31 ngày thì khoảng thời gian rụng trứng là từ ngày 14 đến ngày 17 của chu kỳ.
Khi nào dễ thụ thai nhất?
Hàng tháng, cơ thể bạn sẽ có một khoảng thời gian dễ thụ thai nhất (khoảng 3-4 ngày trước và sau ngày thứ 14 của chu kỳ).
Trứng rụng sẽ lần lượt “phiêu du” qua ống dẫn trứng xuống tử cung. Ở đây, nếu gặp được chàng “tinh binh” nào, trứng sẽ nhanh chóng làm tổ với tinh trùng và quá trình thụ thai bắt đầu.
Tại sao lại có hiện tượng rụng trứng?
Hormone là yếu tố quan trọng quyết định sự rụng trứng. Vào thời gian đầu của chu kỳ, cơ thể sản xuất ra một loại hormone sinh dục đặc biệt, giúp kích thích trứng chín và rụng trong thời điểm thích hợp.
Làm thế nào để biết trứng rụng?
Một trong những dấu hiệu cơ bản để bạn nhận biết cơ thể đang trong quá trình rụng trứng là sự thay đổi dịch tiết âm đạo. Sau chu kỳ, vùng kín thường có xu hướng khô ráo và sạch sẽ trong vài ngày. Sau đó, âm đạo bắt đầu xuất hiện chất nhầy trắng. Bước vào thời điểm rụng trứng, vùng kín thường tiết dịch trắng trong (giống lòng trắng trứng gà), ẩm ướt.
Thân nhiệt tăng cao trong ngày rụng trứng?
Thân nhiệt thường tăng lên vào thời điểm trứng rụng nhưng rất ít khi bạn biết chính xác thời điểm trứng rụng. Nhiều trường hợp, bạn biết được thời điểm trứng rụng thì đã quá muộn. Phương pháp kiểm tra thân nhiệt, nhận biết ngày trứng rụng để tính ngày thụ thai hoặc tránh thai thường không mang lại kết quả như ý.
Sự rụng trứng có thể gây đau?
Một số phụ nữ có cảm giác hơi đau ở vùng bụng dưới khi trứng chín và rụng trong khi phần lớn phụ nữ khác không cảm nhận thấy bất kỳ cơn đau nào. Rất ít phụ nữ bị chảy máu khi trứng rụng nhưng nếu bạn có triệu chứng ra máu bất thường giữa chu kỳ (không phải kỳ kinh), bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Trứng và tinh trùng sống được bao lâu?
Trứng sống được khoảng 12-24 giờ sau khi rụng trong khi tinh trùng có thể tồn tại tối đa 7 ngày. Lý tưởng nhất là cần có nhiều tinh trùng chờ trứng rụng. Do đó, bạn nên quan hệ vợ chồng trước và sau ngày rụng trứng 1 ngày.
Có thể thụ thai ngoài ngày rụng trứng?
Bởi vì tinh trùng có thể sống sót đến một tuần sau khi rời “nhà máy” và tồn tại để chờ đến ngày làm tổ với trứng. Các nghiên cứu chứng minh rằng, kể cả khi bạn quan hệ trước 6 ngày rụng trứng, khả năng có thai vẫn rất cao. Còn nếu bạn cố đợi đến ngày trứng rụng mới quan hệ thì chưa chắc đã cho kết quả mang thai.
Tăng cơ hội thụ thai bằng cách nào?
Bạn không nên chăm chăm quan hệ vào ngày rụng trứng mà “lơ là” những ngày còn lại trong chu kỳ. Nếu muốn nhanh chóng “có tin vui”, tốt nhất bạn nên quan hệ vợ chồng đều đặn hàng tuần. Nên chú ý sau khi quan hệ, bạn nên nằm nghỉ trong vòng 20-30 phút để tinh trùng có thể tiến sâu vào tử cung và gặp được trứng.
Nếu bạn phải đứng dậy ngay và thấy hiện tượng tinh trùng bị trào ra ngoài, cũng không nên quá lo lắng. Điều này không khiến bạn thụ thai thất bại. Nên nhớ, số lần tinh trùng được sản xuất trong một lần quan hệ là rất lớn, chỉ cần một nửa trong số đó được giữ lại trong tử cung, bạn vẫn có cơ hội thụ thai. Một vài phụ nữ thích sử dụng gối bằng cách kê ở mông để giữ tinh trùng ở lại âm đạo nhằm gia tăng cơ hội thụ thai.
Cơ hội thụ thai giảm theo độ tuổi?
Ở độ tuổi 20, khả năng thụ thai của chị em cao gấp đôi so với tuổi 30. Chất lượng và số lượng trứng tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Chất lượng trứng của chị em ở độ tuổi 20 thường rất tốt nhưng sẽ suy giảm dần sau tuổi 35.
Theo eva