Trẻ dưới sáu tuổi: Khám trái tuyến cũng được bảo hiểm y tế
Thanh toán bảo hiểm y tế trong trường hợp bị tai nạn giao thông vẫn rối và phải tiếp tục chờ Bộ Y tế hướng dẫn. Từ ngày 1-10, nhiều nội dung trong Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực. Trong ngày làm việc thứ hai của hội nghị triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện luật này tại TP Đà Lạt do Bộ Y tế tổ chức, nội dung được đại diện các tỉnh, thành phía Nam quan tâm là thực hiện BHYT đối với trẻ dưới sáu tuổi. Việc thanh toán BHYT trong trường hợp bị tai nạn giao thông (TNGT) cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn.
Bệnh nhi sẽ đổ về Bệnh viện Nhi đồng 1 đông hơn khi được nhiều quyền lợi trong BHYT. Ảnh: HTD
Trẻ khỏe, bệnh viện sẽ mệt
Theo luật, trẻ vừa sinh ra đến hết sáu tuổi được cấp thẻ BHYT và quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Nếu đi trái tuyến cũng được BHYT chi trả 70% khi khám ở bệnh viện hạng ba, 50% ở bệnh viện hạng hai và 30% ở bệnh viện hạng một. Theo đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, quy định này thể hiện chính sách ưu đãi tối đa cho trẻ dưới sáu tuổi. Tuy nhiên, đại diện một bệnh viện nhi lưu ý, bệnh nhi sẽ chỉ được thanh toán đóng khung các dịch vụ theo quy định mà không được hưởng các dịch vụ cao hơn.
Từ ngày 1-10, BHXH sẽ chính thức cấp thẻ BHYT cho trẻ và thẻ này không cần ảnh. Thời hạn sử dụng thẻ sẽ hết hạn khi trẻ hết sáu tuổi. Cả khi trẻ đến hết sáu tuổi nhưng nếu đang điều trị tại bệnh viện thì vẫn được BHYT chi trả cho đến khi xuất viện. Nhiều đại biểu lo ngại việc cấp thẻ sẽ không thể hoàn thành vì hiện các tỉnh chưa có danh sách trẻ dưới sáu tuổi để chuyển qua BHXH cấp thẻ. Do đó, các tỉnh đề nghị nếu không kịp cấp thẻ thì nên cho sử dụng cả thẻ miễn phí trước đây. “Nếu không cấp kịp thì xuất trình thẻ khám miễn phí hoặc giấy khai sinh, chứng sinh… là được” – bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, đồng tình.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, hai bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tỏ ra băn khoăn về quy định chi trả cho bệnh nhi trái tuyến. Hiện mỗi bệnh viện khám cho khoảng 4-5 ngàn lượt bệnh nhi/ngày, trong đó 1/3 là bệnh nhi trái tuyến. Trước đây, bệnh nhi trái tuyến chỉ cần đăng ký khám dịch vụ là xong. Giờ bệnh viện phải tính trừ ra 30% trên tổng số tiền khám chữa bệnh của mỗi bệnh nhi, sau đó kết sổ chuyển qua BHXH để nhận lại 30% đó thì rất phiền hà. Hơn nữa, khi được nhiều quyền lợi ở hai bệnh viện lớn này thì bệnh nhi sẽ đổ về đông hơn…
Vẫn vướng trường hợp tai nạn giao thông
Theo đại biểu tỉnh Lâm Đồng, Thông tư liên tịch 09/2009 hướng dẫn thực hiện Luật BHYT quy định người bị TNGT phải chứng minh mình không phạm luật mới được hưởng BHYT. “Nhưng ai sẽ chứng minh cho họ và cơ quan có thẩm quyền xác nhận là cấp nào? Căn cứ xác nhận sẽ theo đơn tường trình không vi phạm hay căn cứ vào biên bản giải quyết tai nạn?” – đại biểu này hỏi. Cũng theo đại biểu này, lâu nay ở Lâm Đồng, người bị TNGT dù có nồng nặc mùi rượu vẫn được hưởng BHYT vì tỉnh chưa có cơ sở nào đo nồng độ cồn.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho biết hiện bệnh viện vẫn ứng trước để điều trị cho một số bệnh nhân bị TNGT nhưng khi ra viện họ không trả. Bệnh viện đã kiện rất nhiều người nhưng không đòi được vì họ… không có tiền.
Theo ông Tạ Văn Bằng, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), luật đã quy định thì phải thực hiện. Tuy nhiên, BHXH các tỉnh nên chủ động phối hợp với công an địa phương để làm giấy xác nhận cho người bị nạn và chỉ CSGT mới có quyền xác nhận. Ông Bằng cũng lo ngại nếu làm không khéo thì có thể người ta sẽ chạy để có giấy xác nhận, bởi một ca điều trị TNGT có khi lên đến vài chục triệu đồng.
Bà Hương cho biết Bộ Y tế đang nghiên cứu tiếp vấn đề này và sẽ có hướng dẫn rõ tại hội nghị tập huấn thực hiện Luật BHYT vào ngày 21-9 tại TP.HCM.
Một ca cắt amiđan giá… 60 ngàn đồng?!
Theo đại diện một bệnh viện nhi, chính sách viện phí hiện rất lỗi thời. Một ca cắt amiđan mà BHYT chỉ chi trả 60 ngàn đồng! Trong khi đó, để thực hiện ca này, bệnh viện phải tốn khoảng 500 ngàn đồng tiền thuốc mê và khoảng 500 ngàn đồng chi phí khác.
Về việc này, Vụ trưởng Vụ BHYT Tống Thị Song Hương cho biết Bộ Y tế đang xây dựng chính sách viện phí nhưng phải cần rất nhiều thời gian.
Nguồn Pháp Luật TPHCM Online