Thiết bị mới ngừa đột qụy
Các nhà khoa học Singapore đã thực hiện một phương pháp mới không phải mổ tim giúp ngăn ngừa đột qụy cho những bệnh nhân có nhịp tim không đều và nhanh. Với phương pháp mới, các bệnh nhân sẽ giảm được nguy cơ đột qụy đến hơn một nửa, tức 59%.
Phương pháp mới này được thực hiện lần đầu tiên tại Trung tâm Tim Quốc gia (NHC) ở Singapore và khu vực châu Á – Thái Binh dương và đã được truyền hình trực tiếp cho các bác sĩ tại một hội nghị y khoa ở Singapore xem.
Bệnh nhân là một cụ bà 81 tuổi có bệnh sử nhịp tim không đều. Tình trạng này làm bà có nguy cơ bị đột qụy, bởi vì dòng máu trong tim trở nên không bình thường khi nhịp tim không đều, dẫn đến nguy cơ đông máu tại một lỗ nhỏ nối với khoang bên trái tim. Những cục máu như thế có thể làm nghẽn một động mạch dẫn lên não, đưa đến đột qụy.
Phương pháp mới nhằm đóng phần bên trái tim, gọi là phần phụ tâm nhĩ trái, nơi có xu hướng tạo ra cục máu đông. Các bác sĩ luồn một thiết bị trông giống cái dù có tác dụng như một cái nút chai, tự giãn ra khi kim loại ấm lên trong cơ thể. Thiết bị này được gọi là “Ống thông bít phần phụ tâm nhĩ trái (PLAATO)”, cũng được bao phủ bằng một cái màng không chỉ có khả năng bịt kín phần phụ bên trái tim mà còn cho phép mô phát triển bên trong đó nữa.
Phương pháp này đã được thực hiện cho hơn 100 bệnh nhân ở Đức. Hiện tại, các bệnh nhân mắc chứng này phải uống thuốc suốt đời, thuốc warfarin, để làm lỏng máu. Tuy nhiên các bác sĩ nói một số bệnh nhân không hợp với thuốc này, do có những tác dụng phụ, cũng như khó kiểm soát được việc đông máu khi bị thương.
Với phương pháp mới, các bệnh nhân này không chỉ có một cách rất tốt để ngăn ngừa đột qụy mà còn giảm được nguy cơ đột qụy đến hơn một nửa, tức 59%.