Insulin những điều cần biết
Insulin là thuật ngữ chuyên môn nói về một chất đạm (protein) duy nhất trong cơ thể có tác dụng làm giảm đường huyểt (ĐH). Nó được tuyến tụy tiết ra liên tục 24h mỗi ngày, số lượng tùy thuộc vào lượng đường do gan cung cấp và được tiết ra từng lúc theo yêu cầu của cơ thể, phụ thuộc vào lượng thực phẩm con người ăn vào.
Tất cả những người bị đái tháo đường đều cần đến insulin?
Không nhất thiết, ví dụ những người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) týp 1 (5 – 10% tổng số người mắc bệnh ĐTĐ) là cần insulin, còn ở người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 (90 – 95%) cơ thể không cần đến insulin. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), ở người lớn dù mắc bệnh ĐTĐ týp 1 hoặc týp 2 thì có khoảng 14% số người dùng insulin dưới dạng tiêm hoặc uống; 57% dùng thuốc dạng viên, 10% điều tiết ĐH bằng ăn uống và luyện tập. Vấn đề quan trọng là biết lượng đường cụ thể trong máu để điều chỉnh duy trì ở ngưỡng an toàn.
Dùng insulin có nghĩa là bệnh nặng?
Theo các chuyên gia ở Đại học Y khoa Albert Einstein (Mỹ) thì ĐTĐ là căn bệnh chứa đựng nhiều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết, rất nhiều người ăn uống rất kiêng khem, đúng theo chỉ dẫn nhưng vẫn phải cần đến insulin. Thực tế thì bệnh ĐTĐ týp 2 là căn bệnh “tịnh tiến” phát triển tăng dần đều buộc người trong cuộc phải có phương án ăn uống điều trị phù hợp. Tuy ăn uống đóng vai trò chủ đạo nhưng vẫn phải dùng đến thuốc và mức độ còn phải phụ thuộc vào từng người. Đây là căn bệnh hiện đã và đang chế ngự được, nên người trong cuộc không quá bi quan và không có gì là đáng ngại cả.
Tiêm insulin gây đau?
Không đúng, nếu có cũng không đáng kể, thậm chí việc trích lấy máu trên đầu ngón tay còn đau hơn cả tiêm insulin. Các loại kim tiêm có bán trên thị trường có bộ phận điều chỉnh liều insulin, sử dụng kim nhỏ, thực sự không gây đau.
Insulin gây hạ ĐH nguy hiểm?
Nói chung những người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 thường ít có xu hướng gặp nguy cơ hạ ĐH (đường trong máu thấp) so với những người týp 1. Nếu hạ ĐH quá thấp có thể gây hôn mê, mất ý thức, riêng ở người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 thường dễ nhận biết bằng dấu hiệu như: lo lắng, run rẩy, đổ mồ hôi và đói ăn. Chỉ cần ăn thêm chút đường hoặc chiếc kẹo là giải quyết được tình thế.
Có cần dùng insulin liên tục?
Không nhất thiết phải cần insulin liên tục, ví dụ có người mắc ĐTĐ týp 2 chỉ cần insulin tạm thời. Chẳng hạn như khi mới phát hiện bệnh hoặc trong thời kỳ mang thai, nhưng cũng có người lại cần insulin suốt đời. Một số người bị giảm cân quá nhiều (do phẫu thuật) cũng không nhất thiết phải cần insulin dài kỳ. Nhu cầu về insulin phụ thuộc vào tình trạng tổn thương do bệnh ĐTĐ gây ra đối với tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy.
Tiêm insulin rất phiền phức?
Trước đây khi nền kinh tế còn khó khăn, việc tiêm insulin thực sự là khó khăn nhưng ngày nay nhờ khoa học phát triển, người ta đã sản xuất được những loại bút tiêm rất gọn nhẹ nên giảm được nỗi phiền hà cho người bệnh.
Thuốc uống tốt hơn tiêm insulin ?
Thông thường trong điều trị bệnh ĐTĐ thì việc dùng thuốc để hạ ĐH được xem là tối ưu, an toàn nhất như dùng thuốc metformin, tuy nhiên có người lại không phát huy tác dụng. Thuốc chữa ĐTĐ không phải là an toàn, ví dụ thuốc Avardia mới đây đã được Cơ quan Quản lý thực dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo sử dụng hạn chế vì rủi ro gây đau tim.
Insulin làm tăng cân?
Phải nói ngay rằng đây là phản ứng phụ có thật ngoài mong muốn, có người sau khi bắt đầu dùng liệu pháp insulin đã tăng cân, nhưng sau đó thuốc phát huy tác dụng điều tiết lượng đường nên hiện tượng này cũng không đáng ngại, dần dần cơ thể sẽ trở về trạng thái bình thường.
Cơ thể người bệnh ĐTĐ týp 2 không thể sản xuất được insulin?
Không đúng, bởi thực tế cho thấy những người mới mắc bệnh ĐTĐ týp 2 cơ thể sản xuất lượng insulin cao hơn mức bình thường, hiện tượng này được chuyên môn gọi là hyerinsulinemia (tăng insulin huyết). Sở dĩ có hiện tượng nói trên là do bệnh ĐTĐ týp 2 gây nên bởi quá trình kháng insulin, hiện tượng trong đó cơ thể bị mất khả năng đáp ứng bình thường với hormorne. Nếu tiêm insulin sẽ khắc phục được tình trạng trên.
Insulin phải tiêm thường nhật?
Không nhất thiết, tuy nhiên tùy thuộc vào thực tế, có người phải tiêm mỗi ngày 1 lần (thường vào ban đêm), cũng có thể vừa phải tiêm vừa phải uống thuốc. Trường hợp ĐH tăng cao sau khi ăn thì có thể phải tiêm nhiều lần ngay trước khi ăn.
Điều trị ĐTĐ bằng insulin là giải pháp cuối cùng?
Nhiều người đã qua điều trị bằng liệu pháp insulin cho rằng nó giúp người ta cảm thấy dễ chịu nhưng không phải là giải pháp cuối cùng, bởi có người còn mắc phải nhiều căn bệnh có liên quan, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm do hàm lượng ĐH không thích hợp. Một trong những rủi ro lớn là lượng đường trong máu cao sẽ gây bệnh đau tim, đột quỵ. Bởi vậy, điều cần làm đầu tiên là phải giảm được ĐH sau đó mới tìm đến giải pháp điều trị khác.
Theo SKDS