Thuốc tránh thai và những tương tác bất lợi
Báo cáo đầu tiên về sự mất hiệu lực TTT được công bố năm 1971. Reimers và Jekek đã quan sát và thấy có sự tăng tỷ lệ chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt ở những phụ nữ dùng viên TTT đồng thời với rifampicin và các thuốc trị lao khác. Sau đó là một loạt báo cáo và nghiên cứu thực nghiệm để tìm ra cơ chế của sự tương tác với các viên TTT mà thành phần thường là sự phối hợp giữa progesteron và oestrogen.
Có khá nhiều loại thuốc chữa bệnh đã được báo cáo là có tương tác với TTT. Đứng đầu trong số này là những thuốc do hoạt hóa enzym chuyển hóa thuốc ở gan, làm TTT bị mất tác dụng do chuyển hóa nhanh (cũng là tăng thải trừ) như: các thuốc chống động kinh phenytoin, phenobarbital, primidon, carbamazepin…, thuốc chống nấm griseofulvin cũng có nhiều nghi ngờ có thể hoạt hóa enzym ở gan làm giảm hiệu lực TTT.
Một nhóm thuốc khác làm giảm hiệu lực của TTT do có thể làm giảm vòng tuần hoàn ở gan – ruột của TTT. Trong số này, thường gặp là một số thuốc kháng sinh. Theo nghiên cứu của tác giả Magrego và Hastshon dùng ampicilin với liều lượng 2 g/ngày, dùng liền trong 7 ngày cho những phụ nữ đang uống thường xuyên TTT thì hoạt lực của TTT giảm xuống 38 – 43%, và dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Một nghiên cứu khác cho biết uống ampicilin với liều 2 g/ngày ở những phụ nữ đang uống TTT đã làm giảm nồng độ oestrogen ở nước tiểu và huyết tương đi 50%. Ủy ban về an toàn sử dụng thuốc của nước Anh cũng đã ghi nhận được 38 trường hợp có thai ở phụ nữ uống viên TTT mà dùng kháng sinh.
Cơ chế ảnh hưởng của kháng sinh đến hiệu lực tránh thai của các viên TTT chưa được thống nhất ý kiến. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy các vi khuẩn đường ruột đã tiết ra ít hơn enzym beta glucuronidase, dẫn đến sự thủy phân và tái hấp thu các dẫn chất oestrogen – glucoronide, do đó nồng độ oestrogen trong máu cũng hạ thấp theo.
Các kháng sinh khác như amoxicillin, cloramphenicol, penicillin V, tetracyclin… cũng có một vài tác giả thông báo về triệu chứng xuất huyết giữa hai kỳ kinh nguyệt, hoặc có thai ở phụ nữ đang dùng TTT loại viên uống, mà lại được điều trị bằng các thuốc kháng sinh này.
Sự tương tác thuốc làm thất bại việc tránh thai bằng đường uống còn khá nhiều, có thể kể tên một số thuốc chính như: các thuốc hạ huyết áp, các thuốc chống đông máu (phenindion, warfarin) và các coumarin khác, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc hạ sốt giảm đau (aspirin, paracetamol), thuốc nhuận tràng… Tuy nhiên, còn cần có những nghiên cứu thêm.
Ngược lại, cũng có một số báo cáo cho rằng (tuy không chắc chắn) TTT có thể ảnh hưởng tới tác dụng dược lý của nhiều thuốc khác như: các thuốc chống sốt rét, các thuốc ức chế beta giao cảm, các thuốc nhóm corticoid, các thuốc hạ đường huyết, và theophylin… Tuy vậy, chưa có đủ bằng chứng để thấy rằng TTT đã ảnh hưởng một cách đáng kể đến mức phải điều chỉnh chế độ điều trị của các thuốc này.
Tóm lại, phụ nữ đang uống viên TTT hàng ngày cần phải thận trọng khi dùng các thuốc khác để chữa bệnh. Không tự ý dùng thuốc mà phải hỏi kỹ thầy thuốc điều trị. Để an toàn, nên dùng một phương pháp tránh thai hỗ trợ khác (bao cao su, màng ngăn âm đạo, thuốc diệt tinh trùng…) để tăng tối đa hiệu quả tránh thai, trong những trường hợp bất khả kháng vừa tránh thai vừa chữa bệnh.
Theo SK&ĐS