Chóng mặt, đau đầu – triệu chứng của thiếu máu não
Theo TS.BS Lê Văn Trường, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Quân đội 108, bệnh thiếu máu não cục bộ ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa động mạch gây hẹp, tắc các mạch máu nuôi não.
Lưu ý triệu chứng nhẹ
Theo TS Trường, biến chứng nặng nhất của bệnh là nhồi máu não: Một vùng của não bị tổn thương không hồi phục do không có máu nuôi dưỡng trong vòng 6-8 giờ. Nguyên nhân là nhánh động mạch cấp máu bị tắc đột ngột và không được mở thông kịp thời.
TS Trường cho biết, khi bệnh nhân bị thiếu máu não, các triệu chứng chủ yếu là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng. Thậm chí, có những cơn thiếu máu não thoáng qua, bệnh nhân có cảm giác yếu, bị bại, bị liệt đột ngột hoặc mất tiếng nói nhưng sau đó thì phục hồi. Đây là tình trạng bệnh nhân bị thiếu máu não, nhưng chưa bị nhồi máu não.
Hiểu biết chưa đầy đủ
Theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng bệnh nhân được điều trị căn bệnh này tương đối ít và các thông tin về bệnh đến bệnh nhân chưa đầy đủ. Hiện có hai cách điều trị: Tái thông mạch máu bằng phương pháp phẫu thuật kinh điển và tái thông mạch máu bằng phương pháp nội mạch. Tuy nhiên, đối với phương pháp phẫu thuật kinh điển, các bác sĩ ngoại khoa chỉ có thể áp dụng cho những tổn thương ở đoạn cổ ngoài sọ, còn tất cả các tổn thương vùng nền sọ trong não chưa thể can thiệp được.
Với tái thông mạch máu bằng phương pháp nội mạch, TS Trường cho biết hạn chế của phương pháp này là sự đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền, đầu tư lớn, chi phí kỹ thuật cao, nên không thể triển khai đồng đều ở các khu vực (cả nước hiện chỉ có 4 bệnh viện có thể thực hiện kỹ thuật này, trong đó có Bệnh viện quân đội 108).
Tại Bệnh viện Quân đội 108, qua 3 tháng triển khai kỹ thuật này từ tháng 9, 10, 11, đã điều trị cho 5 trường hợp nhồi máu não cấp nặng, đến nay các bệnh nhân đều khoẻ. Theo các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thành công của phương pháp điều trị can thiệp nội mạch là 98%.
Theo Giadinh.net