Thận trọng khi dùng thuốc hạ mỡ máu

Có chuyện vui: một nhà sư sau khi kiểm tra sức khoẻ thấy kết quả thử máu ghi tăng mỡ trong máu đã phản ứng: “Bần đạo chỉ ăn chay, lấy đâu ra mỡ!” Thật ra, gọi mỡ máu cao là lối nói phổ biến chỉ chứng rối loạn lipid huyết có liên quan đến các bệnh lý tim mạch, béo phì, tiểu đường… nên cần điều trị đúng cách.

Cơ chế hoạt động của thuốc hạ mỡ máu

Thuốc trị rối loạn lipid huyết có tác dụng giúp cho các chất béo (thường gọi là mỡ) có trong máu như cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, HDL-cholesterol, triglycerid trở lại giới hạn bình thường. Có nhiều nhóm thuốc hạ lipid huyết như nhóm resin gắn axít mật (thí dụ cholestyramin), nhóm fibrat (clofibrate, fenofibrat, gemfibrozil), niacin (tức vitamin PP) nhóm statin và thuốc mới là ezetimib. Thuốc được dùng phổ biến hiện nay chính là nhóm statin (tên thuốc có vần cuối là statin) gồm có: simvastatin (biệt dược Zocor), lovastatin (Mevacor), pravastatin (Pravachol), fluvastatin (Lescol), atorvastatin (Lipitor), rosuvastatin (Crestor).

Các statin còn được gọi là nhóm thuốc ức chế men khử HMG-CoA vì cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế cạnh tranh men 3-hydroxy-3 metyl-glutaryl coenzym A reductase (viết tắt HMG-CoA reductase). Men khử HMG-CoA bị thuốc ức chế không xúc tác phản ứng tạo ra cholesterol ở gan sẽ làm giảm cholesterol trong máu xuống. Các statin còn có tác dụng làm tăng số lượng thụ thể của LDL-cholesterol (viết tắt LDL-c, còn gọi là cholesterol “xấu”) nhằm tăng sự thoái hoá và làm giảm cholesterol “xấu” này xuống mức mong muốn. Các statin cũng làm tăng một ít HDL-cholesterol (HDL-c, còn gọi là cholesterol “tốt”).

Trong trường hợp rối loạn lipid huyết nhẹ nhưng không có bệnh mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp, không hút thuốc, chỉ bắt đầu dùng thuốc statin khi đã thực hiện chế độ ăn kiêng, vận động khoảng sáu tháng mà chưa giảm lipid huyết đến mức mong muốn. Khi đang dùng thuốc statin cũng vẫn duy trì nghiêm túc việc ăn kiêng và vận động (nếu thừa cân cố giảm), cần kiêng mỡ động vật và thực phẩm nhiều cholesterol, ăn nhiều rau cải, trái cây, chất xơ sợi và đủ đạm, còn tập thể dục đã được chứng minh là làm tăng cholesterol “tốt”.

Thuốc hạ mỡ máu được dùng phổ biến hiện nay là nhóm statin, có thể gây tác dụng phụ.

Coi chừng tác dụng phụ

Khi sử dụng các statin, tác dụng phụ có hại đáng lưu ý nhất là tác dụng phụ “tiêu cơ vân” (rhabdomyolysis). Đây là bệnh lý có thể gây chết người do các tế bào cơ vân bị phân huỷ, giải phóng các chất có bên trong tế bào, trong đó có myoglobin, đưa đến tiểu tiện ra myoglobin và chính chất này làm nghẽn thận dẫn đến suy thận. Dấu hiệu ban đầu của chứng này là bắp thịt bị đau nhức, yếu cơ, co cơ (thường gặp ở cơ bắp chân, cơ lưng), sau đó nước tiểu màu đỏ đậm do thải myglobin (người dùng thuốc cần lưu ý các dấu hiệu để ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay). Cũng vì gây tác dụng phụ trầm trọng (đặc biệt khi phối hợp với một thuốc fibrat là gemfibrozil) mà một statin là cerivastatin (Baycol, Lipobay) đã bị cấm lưu hành.

Tác dụng phụ làm viêm gân, tổn thương gân gót (gân Achiless) do dùng thuốc nhóm statin chỉ mới được công bố thông qua một nghiên cứu tiến hành ở đại học Rouen (Pháp). Nghiên cứu này dựa vào việc hồi cứu dữ liệu tác dụng phụ của 4.597 bệnh nhân đã dùng statin và ghi nhận 92 bệnh nhân có tác dụng phụ vừa kể (tức chỉ 2%). Theo nghiên cứu, 57% trong số 92 bệnh nhân bị tác phụ, được ghi nhận bị tổn thương gân trong vòng một năm sau khi dùng statin (63% còn lại bị tổn thương gân hơn một năm sau khi dùng thuốc). Như vậy, chỉ có một số ít người bị tác dụng phụ và thời gian dùng thuốc phải kéo dài cả năm trở lên (ngưng dùng thuốc thì tác dụng phụ biến mất). Tác dụng phụ gây viêm gân, tổn thương gân còn có thể xảy ra ở một số thuốc khác, đặc biệt kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon (gồm có norfloxacin, ofloxacin, pefloxacin, levofloxacin…) Kháng sinh fluoroquinolon còn gây mòn sụn khớp khi thử trên súc vật còn non nên được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 18 tuổi.

Về tác dụng phụ nói chung, cần ghi nhận nhiều tác dụng phụ chỉ phát hiện sau khi thuốc được phép lưu hành và điều trị thời gian dài. Khi tác dụng phụ xuất hiện gây tác hại ở mức độ nghiêm trọng thì thuốc mới bị cấm hoặc nhà sản xuất tự ý rút thuốc không cho lưu hành trên thị trường. Còn tác dụng phụ xuất hiện ở tỷ lệ chỉ xem là nguy cơ thì sẽ được thông báo (ở Mỹ, cơ quan FDA yêu cầu phải thông tin về tác dụng phụ mới được phát hiện trên bao bì, bản hướng dẫn sử dụng) để các nhà chuyên môn y dược lưu ý áp dụng biện pháp cần thiết để tránh hoặc xử lý tác dụng phụ.

Do các tác dụng phụ vừa kể thuộc loại hiếm xảy ra, người sử dụng thuốc vẫn có thể an tâm dùng các thuốc statin khi được bác sĩ chỉ định.

Không nên tự ý mua thuốc về dùng

Cần lưu ý, khi đang dùng thuốc mà cảm thấy có những triệu chứng bất thường như đau cơ, yếu cơ (do tác dụng phụ tiêu cơ vân, đặc biệt, người chơi thể thao dễ bị các triệu chứng này) hoặc sưng, nóng, đỏ, đau, co cứng ở vùng gân nào đó, đặc biệt gân gót (do tác dụng phụ tổn thương gân mới phát hiện) thì ngưng thuốc và đến bác sĩ khám. Tuỳ mức độ tác động ở cơ của thuốc mà bác sĩ sẽ có hướng xử trí thích hợp như tiếp tục dùng thuốc cũ nhưng giảm liều (chính liều dùng cao làm cho thuốc gây tác dụng phụ, simvastatin hiện nay khuyến cáo không dùng quá 80mg/ngày), thậm chí dùng hai ngày một lần thay vì mỗi ngày; thay thuốc cũ bằng thuốc khác (pravastatin, fluvastatin, rosuvastatin được cho là ít gây rối loạn cơ hơn)… Do các thuốc giảm mỡ máu đều có tác dụng phụ, người mới nghi ngờ bị mỡ máu nhẹ không nên tự ý mua thuốc về dùng có thể bị tai biến. Chỉ nên dùng thuốc được bác sĩ khám, chẩn đoán xác định và ghi đơn cho dùng. Nếu có gì bất thường xảy ra trong quá trình dùng thuốc, nên tái khám, bác sĩ bảo ngừng thuốc thì mới được ngừng.

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (Sài Gòn tiếp thị)