Nhiễm virút độc hại trong hải sản… có thể tử vong

Thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Loại vi rút độc hại có thể gây viêm dạ dày ruột cấp nếu trẻ bị nhiễm. Trẻ có thể tử vong nếu không bù nước kịp thời.

Thông tin trên được đưa ra sau khi thông tin về loại virút độc hại được phát hiện trong hải sản tươi sống gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ cũng khẳng định: “Loại vi rút này được coi là một trong những nguyên nhân gây các vụ tiêu chảy nhưng không có khả năng gây ra đại dịch”.

Tìm thấy virút “độc hại” trong bắp cải, hoa quả ướp lạnh

Theo TS. Nguyễn Vân Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ: “Trong các loại hải sản vỏ cứng như sò, hến, hào … thường bị nhiễm một số virút chứ không phải chỉ có virút gây bệnh đường ruột”.

Virút thường gặp nhất trên những loài sò hến này là Norovirus loại mà báo chí vừa đưa tin. Bên cạnh đó còn nhiều loại virút khác như Sapovirus, thuộc họ Caliciviridae. Virút viêm gan A, enterovirus cũng được tìm thấy trên hào, ngao và trong nước.

 virut-gay-tieu-chay
Các loại hải sản tươi sống nhiễm nhiều loại virút gây tiêu chảy

Norovirus được tìm thấy nhiều nhất trong hào biển và các loại sinh vật biển vỏ cứng khác. Các loại sinh vật này cô đặc và làm tăng nồng độ virus lên nhiều lần.

Gần đây norovirus còn tìm thấy trong các mẫu quả dây tươi đông lạnh trong các kiện hàng xuất khẩu, trong bắp cải v.v…”

“Nguồn nước nhiễm virus là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nhiễm virus trong thực phẩm”, Tiến sĩ Nguyễn Vân Trang khẳng định.

Có thể gây tử vong ở trẻ

Theo TS. Trang: “Khi ăn phải hải sản tươi sống hoặc thức ăn, nước uống có nhiễm virus này, với thời gian ủ bệnh từ 24-48h, một số người có thể bị tiêu chảy cấp dữ dội, 10-20 lần trong ngày, trong vòng 1-2 ngày rồi tự khỏi. Virus này có thể gây nhiễm không có triệu chứng (người lành mang trùng).

Loại vi rút Norovirus là nguyên nhân quan trọng nhất gây nên các vụ dịch tiêu chảy. Đặc biệt trẻ em thường bị mắc NoV (virus này là nguyên nhân thứ 2 sau rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ em).

Với trẻ em, khi mắc phải loại virus này sẽ gây viêm dạ dày ruột cấp. Trẻ có thể tử vong nếu không bù nước kịp thời.

Ở người lớn, virus gây tiêu chảy dữ dội tuy nhiên trong thời gian ngắn 1-2 ngày, rồi tự khỏi. Một số người, do yếu tố di truyền không bị nhiễm virus này dù sử dụng thức ăn nhiễm khuẩn hoặc bị nhiễm nhưng không có triệu chứng tiêu chảy.

Norovirus gây ra các vụ dịch tiêu chảy, tuy nhiên không gây ra đại dịch. Hiện này vắc xin phòng virus này đang trong quá trình nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Tiến sĩ Vân Trang khẳng định: Loại vi rút độc hại Norovirus không phải là virus mới tìm thấy ở Việt Nam. Tuy chưa có nghiên cứu nào về virus này trên sinh vật biển, nhưng đã có nhiều nghiên cứu về virus này ở trẻ em nhập viện do tiêu chảy.

Ở nước ta, trong những năm 1999-2000 và 2005-2006, đã có nhiều nhóm nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh, tại bệnh viện Nhi Đồng 1 , tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà về loại vi rút này.

Kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Viện Vệ Sinh Dịch Tễ TW (T.S Nguyễn Vân Trang) tại Bệnh Viện Nhi Trung Ương cho thấy tỷ lệ nhiễm NV ở trẻ nhập viện khá cao, 36,3%, chủ yếu là chủng GII.4.

 Theo Thu Huyền – Báo Kien Thức