Những điều cần biết về ung thư tụy ngoại tiết

Ung thư tụy là một loại ung thư thường gặp trong bộ máy tiêu hóa, nó chiếm khoảng 10% ung thư tiêu hóa và khoảng 2% trong toàn bộ các loại ung thư. Bệnh gặp nhiều ở nam hơn nữ, thường sau tuổi 60, với những yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu, cà phê, thịt, mỡ, đái tháo đường… Nhìn chung ung thư tụy là loại ung thư khó chẩn đoán, nên thường được chẩn đoán muộn do đó tiên lượng thường khó khăn. Ung thư tụy bao gồm ung thư tụy ngoại tiết – loại thường gặp và ung thư tụy nội tiết – dạng này ít gặp hơn. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến vấn đề ung thư tụy ngoại tiết.

Biểu hiện lâm sàng như thế nào?

 Ung thư tụy ngoại tiết.

2/3 ung thư tụy là xảy ra ở phần đầu tụy, 1/3 còn lại ở đuôi và thân tụy. Biểu hiện lâm sàng của hai loại tổn thương định khu này là hoàn toàn khác nhau. Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương tiện xét nghiệm và thăm dò hiện đại nhưng việc phát hiện các khối u tụy < 2cm cũng rất khó khăn. Thường sau khi khối u xuất hiện một thời gian mới có biểu hiện lâm sàng.

Ung thư đầu tụy: Biểu hiện vàng da ở đây rất thường gặp, vàng da tăng dần nhưng không có sốt, kèm theo các biểu hiện như vàng mắt, phân bạc màu, ngứa, sút cân, chán ăn… đặc biệt đau thượng vị cũng là biểu hiện hay gặp, đau thường lan ra sau lưng. Tuy nhiên ở thể không điển hình, đôi khi chỉ là biểu hiện vàng da đi kèm với đau vùng hạ sườn phải.

Ung thư thân và đuôi tụy: Ở thể này chẩn đoán khó khăn hơn, triệu chứng thường thấy là đau thượng vị, lan ra sau lưng và phải ngồi chống gối cúi ra phía trước sẽ đỡ đau; kèm theo các biểu hiện toàn thân như chán ăn, mệt mỏi, gầy sút, rối loạn tiêu hóa…

Cần làm gì để chẩn đoán?

Các xét nghiệm sinh hóa: Chủ yếu là các biểu hiện tăng bilirubin máu nếu có vàng da tắc mật; các chất chỉ điểm khối u như CEA, CA 19 – 9, CA 125 không có tính chất đặc hiệu; xét nghiệm gen sinh ung thư Ki-as, sự đột biến của gen này xảy ra rất sớm, ngay ở giai đoạn loạn sản, độ đặc hiệu phương pháp này là 90% tuy nhiên độ đặc hiệu chỉ có 50%.

Siêu âm: Nếu phát hiện được khối u tụy thì nó giúp cho chẩn đoán khá cao, nhưng có đến 20% các trường hợp không thấy được hình ảnh tụy, tuy nhiên siêu âm qua nội soi lại rất có giá trị trong chẩn đoán ung thư đầu tụy. Siêu âm còn giúp đánh giá giãn đường mật và ống tụy cũng như sự di căn đến hạch quanh tụy.

Chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc ba thì: Có giá trị cao trong chẩn đoán tương tự như chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc 3 thì.

Chụp mật tụy ngược dòng: Ít có giá trị cho chẩn đoán, có thể có biểu hiện chít hẹp hoặc cắt cụt nhưng không đặc hiệu.

Chụp động mạch chọn lọc hoặc siêu chọn lọc: Nói chung ít có giá trị trong chẩn đoán.

Biến chứng nào xảy ra?

Ung thư tụy có tính chất lan nhanh ra xung quanh đến tĩnh mạch mạc treo tràng trên, tĩnh mạch cửa, tá tràng và di căn hạch quanh tụy, cuống gan, hạch mạc treo tràng trên, hạch tạng. Vào lúc bệnh nhân được chẩn đoán thì có đến 25 – 30% bệnh nhân đã có di căn; thường gặp nhất là di căn gan, phúc mạc, hiếm hơn là di căn xương và phổi. Chính vì sự di căn lan rộng nên tiên lượng xấu và hầu như chỉ định phẫu thuật là rất khó khăn.

Điều trị như thế nào?

Điều trị ngoại khoa: Nói chung, chỉ phẫu thuật mới có cơ may kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân; tuy nhiên, một số trường hợp không được điều trị ngoại khoa đó là tuổi quá cao (trên 70 tuổi) mà thể trạng không cho phép hoặc có các bệnh mạn tính kèm theo như nhồi máu cơ tim, suy gan, suy thận… hoặc những bệnh nhân có di căn lan rộng. Tùy theo tình trạng bệnh nhân và tình trạng khối u mà phẫu thuật viên sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật là tạm thời hay cắt bỏ hoàn toàn tụy hoặc cắt bỏ bán phần tụy.

Điều trị nội khoa: Nếu không có chỉ định phẫu thuật, thì điều trị tạm thời cũng rất cần thiết; chủ yếu là điều trị chứng vàng da bằng cách dẫn lưu mật bằng ống nội giả qua đường nội soi tuy nhiên biến chứng có thể xảy ra như tuột ống, chít hẹp đường mật; ngoài ra điều trị nâng đỡ cơ thể và các triệu chứng khác.

Tia xạ, hóa chất trị liệu và hormon liệu pháp: Thường là sự phối hợp giữa tia xạ và hóa chất, hóa chất thường dùng là 5FU; người ra có thể tiến hành xạ trị trong quá trình phẫu thuật điều này cho phép tia xạ trực tiếp vào tổn thương mà không gây tổn thương xung quanh. Có thể cân nhắc sử dụng kháng nội tiết tố nam hoặc dẫn xuất của somatostatin có tác dụng kéo dài trong một số trường hợp ung thư tụy có các thụ thể nội tiết.

Các phương pháp điều trị khác: Dùng các kháng thể đơn dòng hoặc các tế bào lympho tiêu diệt được xử lý trước bằng interleukin 2… tuy nhiên các biện pháp này vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng cũng hứa hẹn những dấu hiệu khả quan.

Ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy?

Khả năng phát triển bệnh ung thư tuyến tụy đi kèm với tuổi tác của mỗi người. Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tụy xảy ra ở những người có độ tuổi trên 60.

Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-3 lần so với những người không có thói quen này.

Nguy cơ bị ung thư tuyến tụy ở những bệnh nhân tiểu đường cũng cao hơn so vói người bình thường.

Nam giới có khả năng mắc ung thư tuyến tụy cao hơn nữ giới.

So với người Châu Á hay người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người da trắng thì tỷ lệ người Mỹ gốc Phi mắc chứng bệnh này là cao hơn nhiều.

Nếu bố mẹ, chị gái, anh trai trong nhà đã bị ung thư tuyến tụy thì nguy cơ bị mắc bệnh này sẽ cao gấp 3 lần. Đồng thời, nếu tiền sử gia đình cũng bị mắc ung thư ruột kết hay ung thư buồng trứng thì nguy cơ bị ung thư tuyến tụy cũng tăng lên.

Viêm tuyến tụy mãn tính là dạng bệnh gây đau đớn của tuyến tụy. Một số bằng chứng đã chứng minh đây cũng chính là yếu tố nguy cơ cho ung thư tuyến tụy sau này.

Ngoài ra với những người phải tiếp xúc với hóa chất nơi làm việc hay có chế độ ăn với hàm lượng chất béo cao cũng tăng cơ hội cho căn bệnh ung thư này hoành hành.

Sau khi kiểm tra hết các yếu tố trên, nếu nghi ngờ mình có nguy cơ mắc bệnh hãy tìm gặp bác sỹ ngay lập tức để có thể tìm ra hướng giải pháp để hạn chế nguy cơ mà đưa ra kế hoạch phù hợp cho việc kiểm tra sau này.

Theo suckhoedoisong – Dantri