Dinh dưỡng cân bằng
Nồng độ kiềm và acid bên trong cơ thể (độ pH) có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn. Vậy làm thế nào để cân bằng độ pH với thực phẩm?
Bạn thường nghe các bác sỹ da liễu khuyên phải chú ý đến độ pH khi chọn kem dưỡng ẩm, sữa tắm, dung dịch vệ sinh…? Da cần có một độ kiềm nhất định để phát triển khỏe mạnh, chống lại các tác nhân ô nhiễm của môi trường.
Không chỉ quan trọng với lớp da bên ngoài, độ pH cũng đóng vai trò quan trọng không kém đối với bên trong cơ thể. Chúng được các chuyên gia xem như chìa khóa quyết định tình trạng sức khỏe của bạn.
Các tế bào trong cơ thể chúng ta chỉ hoạt động hiệu quả trong môi trường kiềm. Ngược lại, nếu lượng acid chiếm ưu thế, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, tiêu hóa kém, da xỉn màu. Khi tình trạng này kéo dài, nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa như loãng xương, tiểu đường, thấp khớp và ung thư sẽ tăng.
Cụ thể, cơ thể khỏe mạnh cần khoảng 70% kiềm và 30% acid, đồng thời lượng pH từ 7.0 đến 7.4. Thế nhưng, cuộc sống hiện đại khiến số người đạt được chuẩn này ngày càng ít đi. Nguyên nhân là do nhịp sống nhanh thiên về xu hướng tiêu thụ những thực phẩm nặng acid như bia, rượu, đồ uống có cồn hay thói quen dùng các loại đồ hộp, thức ăn nhanh…
Một tỷ lệ vàng được đặt ra cho các bữa ăn: 3-1, trong đó ¾ lượng thực phẩm mang tính kiềm và ¼ có tính acid. Những thực phẩm giàu kiềm đa phần có nguồn gốc tự nhiên như rau củ và trái cây, trừ ngũ cốc.
Thực phẩm giàu tính acid thường có nguồn gốc động vật, gồm cả các chế phẩm từ sữa hay thực phẩm có chất ngọt tổng hợp, thức uống có cồn, ga… Chúng chứa nhiều kim loại như clo, lưu huỳnh, phốt-pho, khi được hấp thụ sẽ sản sinh acid. Vì vậy, tinh bột và các loại đậu cũng mang tính acid ở mức nhẹ. Tuy nhiên, một số thực phẩm có vị chua chưa hẳn đã tạo ra acid. Bạn nghĩ chanh và cam chứa acid nhưng khi tiêu hóa lại mang tính kiềm…
Không chỉ chú trọng dinh dưỡng, lối sinh hoạt lành mạnh cũng là yếu tố để duy trì sự cân bằng pH. Stress không chỉ làm tăng thói quen ăn uống không lành mạnh, mà còn khiến chúng ta thở nông, để lại nhiều carbon dioxide trong cơ thể, góp phần gia tăng lượng acid. Để giảm stress, bạn cần tăng cường các hoạt động thể dục thể thao. Khi vận động, chất độc sẽ được bài tiết phần nào qua mồ hôi, Yoga được xem là môn học hoàn hảo, giúp bạn luyện tập độ dẻo dai, loại bỏ căng thẳng trí óc. Đừng quên tập trung vào các bài tập hít thở sâu vì chúng sẽ giúp bạn thải khí độc hiệu quả và cung cấp thêm khí ô-xy giúp các cơ quan hoạt động tốt. Ngoài ra, thường xuyên đi dạo ở những nơi có nhiều cây, ngoại ô, vùng núi… cũng mang đến một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái.
5 CÁCH GIÚP CÂN BẰNG pH NHANH:
1. Ăn nhiều hoa quả tươi
Rau củ và trái cây thường được biết với công dụng kiềm hóa cơ thể. Tuy nhiên, có một số loại lại có tác dụng nổi trội hơn như các loại rau có màu xanh sẫm như bông cải xanh, cải xoong, măng tây vì chứa nhiều diệp lục tố. Còn với trái cây, những trợ thủ đắc lực giúp tạo kiềm là đu đủ, dưa hấu, chanh và xoài.
2. Kiêng đồ ngọt và đồ uống có ga
Không chỉ giảm thực phẩm từ động vật, bạn hãy hạn chế thức uống ngọt và có ga. Những thực phẩm này ngoài chứa nhiều acid, chúng còn ít có lợi cho sức khỏe của bạn. Nếu bạn lỡ nghiện chocolate, hãy chọn loại không đường. Ngoài ra, thay vì chọn những loại đường trắng tinh chế cho thức uống, bạn có thể chọn mật ong hay đường vàng, những chất ngọt có tính kiềm. Thế nhưng đừng lạm dụng quá vì chúng vẫn là đường đấy!
3. Uống nhiều nước
Bạn có biết một loại vũ khí lợi hại giúp trung hòa acid ngay tức thì? Đó chính là nước! Nước uống tinh khiết, đặc biệt loại nước kiềm có ion hay nước khoáng, nước trái cây, trà thảo mộc vừa giúp bạn cung cấp nước, làm chậm quá trình lão hóa vừa giúp cơ thể cân bằng và khỏe mạnh. Vì vậy hãy uống thật nhiều nước, nhất là khi cơ thể mệt mỏi và tập thói quen uống một ly vào sáng cớm để cân bằng độ pH của bạn.
4. Trung hòa lượng acid
Bạn cần hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, nướng. Quá trình chiên nướng có thể khiến các thực phẩm mang tính kiềm chuyển thành acid. Vì vậy hãy dùng rau quả tươi hoặc chỉ nên luộc sơ.
5. Kiểm tra độ pH
Hãy theo dõi tiến trình của bạn bằng cách kiểm tra lượng pH thường xuyên. Nhúng giấy quỳ vào mẫu nước tiểu hay nước bọt vào buổi sáng hoặc hai giờ sau khi ăn để đo được độ pH chính xác nhất. Khi giấy đổi màu, bạn hãy so sánh với bảng màu để biết nồng độ acid/ kiềm của cơ thể.
Theo Her World/lamdep