Bệnh thận đa u nang
Đây là bệnh thận di truyền với đặc trưng là có nhiều nang ở cả hai bên thận, làm tăng kích thước thận và làm giảm mô thận hoạt động. Có hai kiểu di truyền: bệnh thận đa u nang có tính trội nhiễm sắc thể (NST) và bệnh thận đa u nang có tính lặn NST. Kiểu di truyền lặn NST có thể gây suy thận ở tuổi nhỏ. Hai kiểu bệnh này có thể phát hiện ngay khi bào thai còn ở trong tử cung.
Bệnh thận đa u nang có tính trội NST tỉ lệ mắc khoảng 1/1.000, bệnh nhân bị bệnh thận bệnh tiến triển chậm qua nhiều năm, thời kỳ đầu thường không có triệu chứng gì mà chỉ có thể phát hiện bằng siêu âm khi nang còn nhỏ, đôi khi bệnh này cũng được phát hiện khi khám nghiệm tử thi. Biểu hiện bệnh thường xuất hiện ở tuổi trung niên hoặc sớm hơn, người bệnh thường có cảm giác đau, đau âm ỉ, cũng có khi đau dữ dội, đau lan ra trước bụng và lên ngực, đi tiểu ra máu, viêm đường tiết niệu, viêm thận bể thận, có sỏi thận, thường là sỏi uric do tổn thương biểu mô thận làm giảm hấp thu acid uric, suy thận. Ngoài ra còn có khoảng 30% trường hợp có nang ở gan, 10 – 20% có phình mạch nội sọ đi kèm, khoảng 15% bị xuất huyết dưới màng nhện, khoảng 50% bệnh nhân có tăng huyết áp, khoảng 2 – 3% có kèm theo ung thư thận.
Thận bình thường (trái) và thận đa u nang (phải).
|
Bệnh thận đa u nang có tính trội NST có khoảng trên 50% bị urê huyết trong vòng 10 năm từ khi xuất hiện các triệu chứng, nếu không được điều trị, urê huyết tăng sẽ nguy hiểm đến tính mạng, biến chứng tim mạch, tăng huyết áp thường gặp ở tuổi trên 50, khoảng 10% chết vì xuất huyết nội sọ do vỡ các chỗ phình mạch.
Bệnh thận đa u nang là căn bệnh di truyền hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, nhưng nếu hiểu biết để phòng biến chứng và điều trị thì người bệnh vẫn có thể sống an toàn suốt cuộc đời. Cụ thể là: chế độ ăn uống hợp lý, tuyệt đối không dùng bia rượu, không thuốc lá, ăn ít thịt, giảm mỡ, tăng cường rau quả, tránh lao động quá nặng nhọc, đặc biệt đề phòng tai nạn va đập mạnh vào vùng thận, cần điều trị kịp thời khi có tăng huyết áp, có sỏi uric, có nhiễm khuẩn tiết niệu. Khi thận bị suy thì tùy theo mức độ mà người bệnh cần thực hiện chế độ ăn của người bị suy thận như ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm… và dùng thuốc chống thiếu máu.
Theo BS. Đinh Thị Thanh – SKDS