Điều trị rối loạn thần kinh thực vật
Tác động của hệ thần kinh giao cảm rất đa dạng trên hệ tim mạch, hệ hô hấp… Tác dụng của hệ phó giao cảm thì ngược lại, khi cường chức năng phó giao cảm sẽ làm chậm nhịp tim, tăng co thắt và tiết dịch vị… Bình thường có sự cân bằng giữa hai hệ thống này để duy trì các chức năng của cơ thể. Khi có những bất thường đôi khi sẽ gây ra một số bệnh cho cơ thể.
Rối loạn sự điều chỉnh của hệ thần kinh thực vật biểu hiện như thế nào?
Do mối quan hệ trực tiếp của hệ thần kinh thực vật với các cơ quan trong cơ thể (tình trạng sinh lý bình thường hay bệnh lý của hệ thần kinh thực vật), ở những người trẻ và trung niên phần lớn phụ thuộc vào cấu trúc bình thường và chức năng của cơ quan chi phối. Còn ở các bộ phận trung ương hay ngoại vi của hệ thần kinh thực vật không có biến đổi về hình thái và chức phận. Trái lại, ở người già thì mối tương quan đó lại phức tạp.
Rối loạn hệ thần kinh thực vật có thể là những kích thích của quá trình hoạt động chức năng không bình thường của hệ thần kinh thực vật mà còn do những phản ứng không bình thường của cơ quan chi phối bởi những biến đổi theo tuổi trong tình trạng hoạt động bình thường của hệ thần kinh thực vật.
Biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật rất phong phú, đa dạng và thay đổi tùy theo từng người. Có những người cảm thấy cuộc sống vẫn bình thường đối với những rối loạn này nhưng có những người thì cảm thấy những rối loạn này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Những biểu hiện đó bao gồm: cảm thấy đầu óc chếnh choáng hoặc hoa mắt, chóng mặt; Rối loạn giấc ngủ, thường là mất ngủ; Hay đi đái dắt; Ăn nhanh no; Thể hiện một sự nhạy cảm với ánh sáng quá mức; Đối với nam giới không có khả năng cương cứng dương vật; Rối loạn vận mạch ở da, da nổi mẩn đỏ; Dễ bị rám nắng; Nhịp tim nhanh hoặc có khi là nhịp chậm; Hay đi tiểu tiện, kể cả ban ngày hay ban đêm; Thường xuyên có cảm giác buồn nôn; Rối loạn cương cứng dương vật; Ra mồ hôi quá nhiều; Táo bón hoặc tiêu chảy; Cảm thấy mệt mỏi quá mức; Cảm giác lo âu hoặc hoảng hốt sợ hãi; Tụt huyết áp tư thế, đôi khi có thể dẫn đến ngã đột ngột; Đau ngực, cảm giác khó thở; Đau dây thần kinh; Khô miệng…
Nguyên nhân gây rối loạn hệ thần kinh thực vật:
– Sự sai lạc điều chỉnh hệ thần kinh thực vật trên cơ sở thuần túy chức năng (như ở những năm tuổi trẻ)
– Những tổn thương do biến đổi theo tuổi của hệ thần kinh thực vật hoặc ở những trung tâm chỉ huy của não.
– Những biến đổi do tuổi hay bệnh lý của những cơ quan chi phối mà khả năng sẵn sàng hoạt động chức năng đã bị suy giảm hay những biến đổi bất thường.
Nếu tìm được nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật thì cần chữa theo nguyên nhân nhưng cho đến nay, những rối loạn thần kinh thực vật chưa tìm được căn nguyên thì không có cách để chữa hoặc điều trị triệt để. Hầu như người ta chỉ điều trị triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật như có thể dùng benzodiazepine để điều trị lo âu, hồi hộp, mất ngủ. Dùng những thuốc chống suy nhược cơ thể hoặc những biện pháp làm thích nghi dần với hạ huyết áp tư thế như là nâng cao đầu giường, ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, chế độ ăn mặn hơn…
Rối loạn thần kinh thực vật thường tự khỏi trong vòng khoảng 2 – 3 năm và rối loạn này không có gì nghiêm trọng đe dọa cuộc sống. Tuy nhiên nó có thể làm hạn chế những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của người bệnh từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng.
Rối loạn thần kinh thực vật gây ra những chứng bệnh gì?
Vấn đề nhận định ranh giới giữa rối loạn tuần hoàn ngoại vi do chức năng với tổn thương thực thể có thể rất khó khăn, vì rối loạn tuần hoàn do thần kinh thực vật cũng có thể sẽ dẫn tới những biến đổi thực thể tại các cơ quan trong cơ thể.
Chứng xanh tím đầu chi:
Đây là chứng rối loạn thần kinh thực vật thường gặp, những trường hợp nặng cũng khó chẩn đoán phân biệt với bệnh Raynaud. Ngoài các triệu chứng xanh tím ở đầu chi, bệnh nhân không còn cảm giác đau gì đặt biệt mà chỉ thấy cảm giác sưng phồng. Đây là do rối loạn nội tiết nên phải điều trị bằng các nội tiết tố.
Chứng đỏ đầu chi:
Xuất hiện những cơn giãn mạch máu nên tại các ngón tay riêng lẻ có những mảng da màu đỏ tím. Bệnh nhân có cảm giác đau dữ dội và kéo dài, nên họ thường phải nhúng các ngón tay vào nước lạnh để làm dịu cơn đau. Những biểu hiện tương tự như thế còn có thể gặp trong chứng tăng hồng cầu và đái tháo đường.
Điều trị bằng các loại thuốc giảm đau. Hiện nay chưa có thuốc điều trị cơ bản mà chỉ giải quyết hậu quả bằng hydergine mỗi ngày 3 lần x 5giọt rồi tăng dần lên 3lần x 15giọt có thể làm dịu các triệu chứng.
Bệnh Raynaud:
Bệnh được đặc trưng bởi các triệu chứng đau do co thắt mạch tại các động mạch, làm cho màu da biến đổi theo pha co thắt, thường dẫn đến loét các đầu ngón tay.
Điều trị: quan trọng nhất là dùng hydergine mỗi ngày 3lần x 5giọt rồi tăng dần lên 3lần x 20giọt với liệu trình hàng tháng tùy theo mức độ bệnh. Trường hợp nặng có thể dùng theo đường tiêm kết hợp với liều mỗi ngày tiêm 2ml hydergine trong 2-3 tuần. Nếu điều trị bảo tồn không có kết quả thì phải cân nhắc khả năng phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh giao cảm.
Chứng ngón tay và ngón chân chết:
Biểu hiện chủ yếu của người bệnh là khi gặp lạnh thì các đầu ngón tay hay ngón chân bị lạnh ngắt, tái nhợt như của tử thi. Ở đây phương pháp điều trị chủ yếu là phòng chống lạnh. Tránh sử dụng nước lạnh đối với chân, tay, dùng các bít tất chân và tay ấm.
Bệnh cứng bì:
Bệnh cứng bì thuộc loại bệnh tạo keo, những rối loạn về tuần hoàn cũng tương tự như bệnh Raynaud nên hai loại bệnh có thể kết hợp với nhau. Điều trị cơ bản theo hướng đặc hiệu của bệnh tạo keo, ở đây chỉ nói đến điều trị những rối loạn tuần hoàn nặng; có thể tiến hành thủ thuật cắt bỏ dây thần kinh giao cảm trong giai đoạn sớm.
Phù nề thần kinh mạch:
Đặc trưng của chứng phù Quincke là bắt đầu đột ngột phù ở một vùng nào đó trên cơ thể với những biểu hiện thường gặp nhất là ở mi mắt và mặt. Phù xuất hiện nhanh và biến đi cũng không lâu, có tính chất thoảng qua trong thời gian ngắn. Điều trị: quan trọng nhất là dùng chế độ ăn uống hạn chế muối. Tiêm tĩnh mạch calcium và dùng các loại thuốc kháng histamin.
Trên đây chỉ là những biện pháp xử trí chung, sau khi phát hiện những dấu hiệu ban đầu của bệnh, cần đến khám và điều trị tại các chuyên khoa theo từng loại bệnh như chuyên khoa da liễu, dị ứng, thần kinh…
Theo PGS. Vũ Quang Bích – Sức khỏe & Đời sống