Thuốc nam chữa dị ứng

Dị ứng thuộc chứng “phong chẩn”, “mề đay” với các triệu chứng nổi sẩn, nốt to nhỏ khác nhau. Có khi các nốt liền nhau tạo thành mảng dị ứng, kèm theo ngứa ngáy khó chịu. Một số trường hợp dị ứng cả ở mắt, nội tạng, với biểu hiện như ngứa mắt, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, v.v…

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân của dị ứng có thể do phong hàn, phong nhiệt, hoặc các nhân tố khác như thức ăn, thuốc, ký sinh trùng, môi trường hoặc do vật dụng tiếp xúc. Gốc bệnh là tại huyết và biểu hiện chủ yếu ra ngoài da. Các trường hợp dị ứng kèm bội nhiễm kéo dài, chàm hóa (eczéma) thuộc chứng “giới, tiễn” trong y học cổ truyền có phương pháp chữa trị riêng. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến dị ứng ngoài da thông thường.

Trên lâm sàng, dị ứng thường chia làm hai loại phong hàn và phong nhiệt để điều trị. Khi bệnh xuất hiện, các phương pháp chữa của y học cổ truyền nhằm giải dị ứng, hoạt huyết, tiêu ứ, chống phù do dị ứng và một số các triệu chứng khác như táo bón, tiêu chảy, đau bụng, bí tiểu tiện…

Xin nêu khái lược một số phuơng pháp chữa theo y học cổ truyền.

Dị ứng thể phong hàn: Dị ứng gặp thời tiết lạnh, tiếp xúc với nước lạnh xuất hiện các triệu chứng: da nổi sẩn đỏ, ngứa. Trời nóng bệnh giảm. Dùng các vật dụng xoa xát nóng ấm da thấy đỡ ngứa và dễ chịu. Phương pháp điều trị là: “phát tán phong hàn, điều hoà dinh (huyết) vệ”. Các vị thuốc thường dùng có tính nóng, ấm, giải dị ứng (kháng histamin) và hoạt huyết, chống phù nề.

Có thể dùng một trong ba bài thuốc sau:

Bài 1: Quế chi 8g, tử tô 12g, kinh giới 16g, phòng phong 12g, bạch chỉ 8g, gừng tươi 6g, ké đầu ngựa 16g, ý dĩ 16g, đan sâm 12g.

Cách dùng: Sắc uống ngày một thang, uống 15 – 20 thang.

Bài 2: Quế chi 8g, bạch thược 12g, kinh giới 12g, phòng phong 8g, tế tân 4g, bạch chỉ 8g, ma hoàng 6g, tử tô 12g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, uống 5 – 10 thang.

Bài 3: Hoàng kỳ 8g, đảng sâm 12g, ma hoàng 8g, kinh giới 12g, phòng phong 12g, bạch chỉ 8g, đại táo 12g. GiA vị: nếu táo bón, thêm đại hoàng 6g; nếu do thức ăn (tôm, cua, nhộng tằm…) thêm sơn tra, hoắc hwong, tíc tô mỗi vị 8 đến 12 g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, thành đợt, mỗi đợt uống 5 đến 10 thang.

Dị ứng thể phong nhiệt: Da đỏ, nổi các nốt dị ứung đỏ, nóng rát, thích uống nước mát, táo bón. Thời tiết nóng, môi trường lao động nóng bệnh phát ra hoặc tăng thêm; lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch nhanh (> hoặc bằng 90lần/phút). Phương pháp điều trị là: “Khu phong, thanh nhiệt lương huyết”. Các vị thuốc thường dùng bao gồm các vị thuốc có tác dụng giải dị ứng như: lá đơn đỏ, phù bình (bèo cái), thưong nhĩ tử (quả ké đầu ngựa), thổ phục linh (củ khúc khắc), kinh giới, phòng phong phối hợp với thuốc thanh nhiệt lương huyết như: sinh địa, huyền sâm… và một số vị có tính kháng sinh khác.

Có thể dùng một trong ba bài thuốc sau:

Bài 1: Phù bình 8g, ké đầu ngựa 16g, kinh giới 16g, thổ phục linh 16g, sinh địa 12g, thuyền thoái 6g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 12g, lá dâu 8 đến 16g, Xa tiền (lá mã đề) 16g.

Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang, uống 5 đến 10 thang.

Bài 2: kinh giới 12g, phù bình 8g, ké đầu ngựa 16g, trúc diệp (lá tre) 12g, lô căn (rễ sậy) 12g, bạc hà 12g, Xa tiền tử (hạt mã đề) 12g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 12g, ngưa bàng tử 12g, thuyền thoái 8g, sinh địa 16g, thạch cao 20g, đan bì 8g, bạch thược 8g.

Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang; uống hành đợt, mỗi đợt 5 đến 10 thang.

Ngoài ra, kinh nghiệm Y học cổ truền cho thấy, các trường hợp dị ứng nhẹ, không thường xuyên, có thể dùng độc vị: đơn đỏ sắc thuốc thay nước, mỗi ngày khoảng 20g hoặc phối hợp hoa kim ngân 20g, trong thời gian 2 đến 3 tháng là ổn định lâu dài.

Nhìn chung, dị ứng thuộc loại bệnh cơ địa, do vậy trong nhiều trường hợp bệnh nhân cần được thầy thuốc chuyên khoa theo dõi, điều chỉnh đơn thuốc tuỳ theo thể tạng, thời kỳ và diễn biến của bệnh; chữa trị lâu dài để có kết quả bền vững. Trong các trường hợp dị ứng nặng, cấp tính (như dị ứng thuốc, thức ăn độc hại…) cần phối hợp phương pháp điều trị theo y học hiện đại.

Đề phòng dị ứng, cần tránh môi trường thuận lợi, để bệnh phát sinh, không ăn các thức ăn gây dị ứng, tẩy giun định kỳ và cũng cần xét nghiệm kiểm tra chức năng gan khi cần thiết. Khi da nổi nhiều nốt dị ứng, kiêng tắm lạnh để độc tố được thải tiết thuận lợi, nếu bị lạnh độc tố lưu vào trong có thể gây hại, phát sinh đau bụng, tiêu chảy…

TS. Lê Lương Đống – Nguồn: Báo Sức khoẻ và Đời sống