1 loại thuốc, 2 bệnh viện: giá chênh 30%

Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội VN, bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2009 dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng. Ngoài lạm dụng thuốc, kỹ thuật cao, tình trạng nâng giá thuốc đang là một trong những căn nguyên khiến BHYT bội chi nghiêm trọng.

Cùng loại thuốc Acetyl Leucin (500mg) do Công ty Bidiphar cung ứng nhưng giá chênh nhau đến 30% (Nguồn: Bảo hiểm xã hội VN) – Đồ họa: Vĩ Cường

Một bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) phản ảnh: “Giá thuốc do BHYT thanh toán trong bệnh viện quá cao. Chúng tôi mắc bệnh mãn tính, thường khảo giá nhà thuốc nào rẻ nhất để mua”. Qua so sánh cho thấy có loại thuốc giá thị trường rẻ hơn BHYT 1/2!

Giá thuốc quá cao so với thị trường!

Theo giấy thanh toán cho bệnh nhân này do Bệnh viện Thanh Nhàn lập tháng 6-2009, giá thuốc tăng hồng cầu Hemax loại 2.000 đơn vị được BHYT thanh toán là 235.200 đồng/ống. Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), BHYT cũng thanh toán giá này. Nhưng mua cùng thời điểm tại một nhà thuốc ở khu 31 Láng Hạ (Hà Nội), giá bán lẻ Hemax chỉ là 116.000 đồng/ống, mua năm ống trở lên giá giảm còn 115.000 đồng/ống, rẻ đúng bằng 1/2 giá BHYT thanh toán. Tại nhà thuốc LT đối diện Bệnh viện Bạch Mai, giá Hemax là 160.000 đồng/ống, rẻ hơn rất nhiều so với giá BHYT đang thanh toán.

Cùng một loại thuốc giá khác nhau có thể “đổ” do nhiều nhà cung cấp. Nhưng có loại thuốc cùng nhà cung cấp, cùng tên gốc, tên biệt dược mà giá trúng thầu vào các bệnh viện lại… khác nhau.

Theo khảo sát của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, viên Acetyl Leucin bán cho tám bệnh viện có bốn mức giá khác nhau, chênh lệch giữa mức giá cao nhất và mức thấp nhất xấp xỉ 30%. Giá Paracetamol viên 500mg tại 18 cơ sở khám chữa bệnh cũng không thống nhất, ngay cả ở các cơ sở khám chữa bệnh có cùng một công ty cung ứng cũng vậy.

Trong cuộc họp báo về chính sách BHYT do Bộ Y tế tổ chức hồi tuần trước tại Hà Nội, ông Phạm Lương Sơn – phó trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN) – cho biết qua khảo sát tại một số địa phương đã phát hiện một số thuốc đặc trị được nâng giá từ 40-50% so với thị trường.

Một quan chức khác ở ban thực hiện chính sách BHYT cho rằng thuốc ngoại do BHYT thanh toán thường cao hơn thị trường 5-7%, đặc biệt một số thuốc tim mạch, ung thư, thuốc chuyên khoa sâu không đấu thầu được phải chấp nhận chỉ định thầu thì giá có thể chênh lệch so với thị trường 50-100%!

Do cơ chế đấu thầu?

Theo một dược sĩ làm việc tại khoa dược một bệnh viện ở Hà Nội, đang có những loại thuốc được kê cho tất cả bệnh nhân vào khoa! “Chúng tôi xem một danh sách chín thuốc kháng sinh, một thuốc long đờm, nếu làm đúng tiêu chí, kê đơn phù hợp, có thể tiết kiệm được 50% chi phí mua thuốc” – dược sĩ này nói.

“Cùng một mặt hàng nhưng giá rất khác nhau, thông thường tôi thấy thuốc giá đắt lại được dùng nhiều hơn. Loại thuốc VN 25.000 đồng/ống, nếu tăng giá lên 50.000 đồng/ống vẫn có lãi mà chắc chắn bán chạy. BHYT có biết điều này nhưng kêu rất yếu ớt” – một dược sĩ nhận xét.

Xem danh sách thuốc trúng thầu vào một bệnh viện lớn ở Hà Nội, cùng sản phẩm Cefoperazone 1g, biệt dược của Ý giá 60.000 đồng/ống, biệt dược của Cyprus giá 82.000 đồng/ống. Nếu dùng hàng của Ý, mỗi ống thuốc đã tiết kiệm được cho bệnh nhân hoặc quỹ BHYT 22.000 đồng.

Một mặt hàng khác, giá sản phẩm của Tây Ban Nha 31.000 đồng/ống, nhưng sản phẩm cùng loại đóng gói tại VN lại lên tới… 47.500 đồng/ống; hoặc có sản phẩm giá thuốc VN là 25.000 đồng/ống, còn thuốc cùng loại do Thụy Sĩ sản xuất lên tới 155.000 đồng/ống.

Theo ông Phạm Lương Sơn, một trong những lý do khiến BHYT biết tình trạng nâng giá thuốc nhưng “kêu yếu ớt” là vì họ không có chân trong hội đồng đấu thầu thuốc vào bệnh viện. Quy định hiện nay là quỹ BHYT thanh toán cho bệnh viện theo giá trúng thầu. “Thông tư 10 về đấu thầu thuốc vào bệnh viện quy định giá thuốc trúng thầu phải không cao hơn giá công bố gần nhất tại cơ quan chức năng.

Về lý thuyết, đây là một giải pháp tốt để quản lý giá, nhưng thực tế không phải lúc nào giá công bố cũng cập nhật, có loại chúng tôi kiểm tra giá công bố đã gần hai năm. Có lẽ đến lúc phải sửa thông tư 10 vì quy định này căn cứ theo hướng dẫn… đấu thầu xây dựng, trong khi thuốc là mặt hàng đặc thù” – ông Sơn đề xuất.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo – trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội VN đã phát hiện một thuốc điều trị ung thư ngoại nhập có giá cao hơn ba lần sản phẩm cùng loại tại nước sản xuất.

“Khi vào VN, giá thuốc này được đẩy lên 30% bằng các hình thức khuyến mãi, tặng quà, vòng vèo giữa các nhà cung cấp. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu vì sao có chuyện chênh lệch quá cao giữa giá thị trường và giá trúng thầu vào bệnh viện. Hiện tại, khi chưa có quy định giá trúng thầu vào bệnh viện không được cao hơn thị trường, chúng tôi khó lòng phản ứng” – ông Thảo nói.

Theo một dược sĩ, Bảo hiểm xã hội VN hoàn toàn có thể giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc, nâng giá thuốc bằng cách tổ chức lực lượng giám sát là các dược sĩ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm. Khi đó, các đơn thuốc kê quá tay, các thuốc giá đắt hơn nhiều so với thị trường sẽ bị bác không thanh toán ngay. “Chuyện giá một số thuốc BHYT chênh lệch so với thị trường, nhiều người biết nhưng chẳng ai làm gì vì nhiều người nghĩ đó là cái quỹ chung, có lợi dụng một tí cũng chả thiệt cho ai”- dược sĩ này bức xúc.

“Cha chung không ai khóc” thì đã đành, nhưng từ ngày 1-10, phần lớn bệnh nhân BHYT sẽ phải cùng chi trả 5-20% chi phí điều trị. Người bệnh đang sống ở các trung tâm bảo trợ xã hội cũng sẽ phải cùng chi trả phí khám chữa bệnh! Làm sao người dân có thể chấp nhận đóng những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình cho chuyện nâng giá thuốc một cách phi lý?

Từ khóa: