‘Bị cúm cần nghĩ ngay đến H1N1’
“Hiện 100% các ca cúm ghi nhận được ở 15 điểm giám sát trên toàn quốc đều là H1N1. Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân nếu có biểu hiện cúm cần nghĩ ngay đến bệnh này, và đến cơ sở y tế kịp thời”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.
Tính đến 27/10, cả nước đã có 33 ca tử vong được xác định là do nhiễm cúm A H1N1, trong đó có không ít bà bầu và đã lác đác vài ca ở trẻ nhỏ. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có cuộc trao đổi với VnExpress.net về tình hình cúm H1N1 tại Việt Nam và mức độ nguy hiểm của nó.
– Tình hình dịch tại Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới đang ở mức nào, xét về tỷ lệ tử vong?
– Chỉ riêng đến ngày 23/10, cả nước đã ghi nhận 10.376 trường hợp dương tính với virus cúm A(H1N1), trong đó đã có 32 ca tử vong. Như vậy tỷ lệ tử vong trên tổng số ca dương tính là 0,29%. Tuy nhiên số ca xét nghiệm dương tính hiện nay chưa phản ánh hết số mắc trong cộng đồng, do đó tỷ lệ chết trên số mắc thực nhỏ hơn nhiều so với tỷ lệ trên.
Tại khu vực nam bán cầu, một số nước ghi nhận số ca tử vong cao như Australia (186), Chile (134), Argentina (580), Brazil (1.368), Peru (162), Colombia (111).
Tại khu vực châu Á, Ấn độ là nước có số ca tử vong do H1N1 cao nhất với 427 trường hợp, con số này ở Nhật Bản là 27 và Hàn Quốc là 20.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước cũng có số ca tử vong cao như Singapore: 18, Malaysia: 77, Thái Lan: 176…
Điều đáng lưu ý là, theo khuyến cáo của WHO, vẫn có khoảng 30% các ca tử vong do cúm H1N1 là người trẻ, người khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh lý khác. Như vậy, cúm H1N1 không có độc lực mạnh như cúm H5N1 nhưng vẫn tấn công và gây nguy hiểm ngay cả những đối tượng được cho rằng ít nguy cơ.
Nhiều người dân đã tự mình phòng ngừa ở nơi công cộng, nhưng đa số thì chưa. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Hoàng Hà.
– Cho đến cách nay một tuần, ca tử vong nhỏ tuổi nhất vì H1N1 ở nước ta là trẻ 9 tuổi, nhưng vừa qua đã có ba trẻ nhỏ hơn (9 tháng, 20 tháng tuổi và 27 tháng tuổi) chết vì loại cúm này. Liệu có sự thay đổi đột biến gì ở đây?
– Khi dịch cúm A H1N1 đã chuyển sang giai đoạn lây lan rộng trong cộng đồng như hiện nay, sẽ có nhiều người trong các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc bệnh mạn tính… bị nhiễm virus, nguy cơ bị biến chứng nặng và tử vong sẽ tăng cao.
Trong mấy ngày vừa qua, ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ xét nghiệm dương tính với virus H1N1. Tuy nhiên đến nay chưa phát hiện có sự biến đổi gene, kể cả các trường hợp có biến chứng nặng. Mặc dù vậy, nguy cơ biến đổi thành chủng có độc lực cao, lây lan nhanh là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngày 21/9 vừa qua, trong bài phát biểu của mình, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng virus cúm A (H1N1) dường như đã không biến đổi theo chiều hướng làm cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn và tiến trình phát triển loại văcxin phòng cúm này đang đi đúng hướng.
– Ông phân tích như thế nào về các ca tử vong ở trẻ nhỏ vừa qua, do nhập viện muộn, mắc sẵn bệnh mãn tính hay do bác sĩ không phát hiện kịp thời bệnh nhân bị H1N1?
– Ca tử vong mới 20 tháng tuổi ở Đà Nẵng khởi phát bệnh từ ngày 12/10, với các triệu chứng sốt, ho. Sau 2 ngày cháu đã nhập viện nhưng phải đến khi cháu có biểu hiện suy hô hấp (ngày 15/10) mới được điều trị bằng Tamiflu.
Cháu này và cháu nhỏ 27 tháng tuổi ở Bến Tre tử vong trước đó vì H1N1 đều được xác định là mắc hội chứng Down. Về hai trường hợp này, Hội đồng chuyên môn của Tiểu ban điều trị sẽ họp và rút kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân cúm A(H1N1), đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi.
Tổng quan dịch cúm ở VN – Sáng 31/5, trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện dương tính với cúm H1N1. Bệnh nhân là nam, 23 tuổi, học tại Mỹ, vừa về nước. – Tối 3/8 có ca tử vong đầu tiên vì H1N1 ở Việt Nam. Đó là một bệnh nhân nữ ở Nha Trang. – Đầu tháng 10, với gần 10.000 bệnh nhân cúm A/H1N1 ở 59 trong số 63 tỉnh, thành, Bộ Y tế thừa nhận dịch đã lan ra cộng đồng, không cần thiết phải xét nghiệm đại trà, chỉ thực hiện đối với những trường hợp đặc biệt. – Giữa tháng 10, Bộ Y tế cho biết, từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ có văcxin H1N1. |
– Nhiều người dân vẫn còn chưa nắm rõ triệu chứng lâm sàng của cúm H1N1. Theo ông, dấu hiệu bệnh nào là quan trọng nhất để người dân nhận biết mình bị cúm H1N1 để đi khám?
– Triệu chứng của người nhiễm virus cúm H1N1 diễn biến từ nhẹ đến nặng: từ sốt (thường trên 38 độ C), nhức đầu, đau mỏi toàn thân và các triệu chứng của viêm long đường hô hấp (ho, chảy nước mũi, viêm và đau họng…). Một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, tùy theo tổn thương của phổi có thể xuất hiện khó thở ở nhiều mức độ khác nhau.
Về mặt lâm sàng thì rất khó phân biệt giữa cúm thường và cúm H1N1. Tuy nhiên, cũng có thể nghĩ đến cúm này nếu như người bệnh mới trở về từ vùng đang có dịch hoặc tiếp xúc gần với người có bệnh đã được khẳng định. Cách tốt nhất để phân định cúm thường với cúm H1N1 là xét nghiệm PCR.
Hiện nay, dịch tiếp tục lây lan mạnh trong cộng đồng kể cả ở các khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm thành phố, trong đó đã có trường hợp tử vong. Hiện 100% các ca cúm ghi nhận được ở 15 điểm giám sát cúm là H1N1. Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mọi người dân, kể các những khu vực xa trung tâm, tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện cúm cần nghĩ ngay tới cúm H1N1 và đến cơ sở y tế để được khám, chữa trị kịp thời.
– Với những trường hợp mắc bệnh mãn tính mà bị cúm H1N1, để tránh việc điều trị nhầm khoa, dẫn đến điều trị muộn có thể gây tử vong, ông có lưu ý gì?
– Những người mắc bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, bệnh hệ thống…) cần đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần tư vấn y tế để được khám, chữa kịp thời.
– Đã có 33 ca tử vong liên quan đến cúm H1N1. Vậy ông có khuyến cáo gì với cộng đồng trong tình hình dịch như hiện nay?
– Mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.
– Việt Nam sắp có văcxin phòng H1N1, số văcxin này sẽ được phân bổ như thế nào?
– Tiêm văcxin cúm H1N1 là một biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh, việc tiêm càng rộng khắp bao nhiêu thì càng hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng vắc xin có hạn, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi quốc gia nên tùy theo đặc điểm tình hình dịch, nguồn lực thực tế và khả năng tiếp cận vắcxin mà quyết định quy mô cũng như đối tượng tiêm để hiệu quả tiêm ngừa đạt cao nhất.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có thư xác nhận Việt Nam là một trong những nước ưu tiên được nhận vắc xin ngừa cúm H1N1, một phần do WHO đánh giá cao hệ thống tổ chức tiêm chủng ở Việt Nam. Đầu tiên, WHO có thể hỗ trợ 1,6% dân số tiêm ngừa (khoảng 2 triệu liều). Sau đó, WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêm phòng khoảng 10% dân số.
Ở nước ta hiện nay, căn cứ trên đánh giá tình hình dịch tễ bệnh, ưu tiên cho phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người có bệnh mạn tính, cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch. Với số lượng người được tiêm ngừa này, chúng ta sẽ phòng bệnh cho nhóm có nguy cơ cao, giảm biến chứng và tử vong cho đối tượng này.
Tuy nhiên, việc tiêm vắcxin phải luôn đi kèm với chiến lược phòng bệnh không đặc hiệu khác cho nhóm không được tiêm như vệ sinh cá nhân, vệ sinh hô hấp, cùng với tăng cường hệ thống giám sát dịch tễ học, virus học và lâm sàng của đại dịch để tạo nên chiến lược tổng thể trong phòng chống đại dịch ở nước ta.
Mỹ ban bố H1N1 là tình trạng khẩn cấp quốc gia Ngày 24/10, Tổng thống Mỹ Obama ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về H1N1. Với việc ban bố này, các bệnh viện sẽ có quyền tự do và linh hoạt hơn trong việc điều trị những ca cúm như là các ca cấp cứu. Theo ABC, các quan chức Nhà trắng khẳng định việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia không có liên quan tới tốc độ nhiễm bệnh hiện nay. Đây là một động thái đề phòng, cho phép bỏ qua một số quy định đối với các bệnh viện có nguy cơ quá tải bệnh nhân H1N1 trong vài tuần, vài tháng tới. Thực chất, việc này chỉ nhằm mở đường cho các cơ sở y tế có khả năng đối phó tốt hơn với đại dịch sau này, khi nó lan rộng. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, và cũng là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp rõ ràng như vậy vì một cơn khủng hoảng y tế cộng đồng do một virus gây ra. |
Nam Phương-Vnexpress