Mang thai – Tuần thứ 9

Bé giờ đã dài hơn 6cm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng chừng 28-30gr, biết nuốt, ngáp và ngậm ngón tay nữa đấy. Tuy nhiên da bé còn trong suốt đến mức nhìn thấy được xương bên trong. Còn mẹ thì sao? Các cơ sản khung chậu của mẹ đã nới lỏng hơn so với trước thai kỳ, gây són tiểu khi mẹ cười hoặc hắt hơi. Cơn ốm nghén tiếp tục tăng lên.

Nhật ký bé trong bụng mẹ – Tuần thứ 9

Ngày thứ 57: Bé đã có thể ngọ nguậy ngón chân vì chúng đã được tách rời.

Mẹ làm cho con: Ngâm mình trong nước nóng trên 380C có thể gây nguy cơ dị tật ống thần kinh của bé và khả năng sẩy thai. Tắm hơi ướt, xông khô và tắm bồn nóng là cách tận hưởng tuyệt vời nhưng chỉ là khi mẹ không mang một em bé trong mình. Nếu mẹ không chắc chắn được về nhiệt độ nước tắm, hãy cẩn trọng, ngừng lại trước khi da mẹ ửng đỏ hoặc toát mồ hôi.

Ngày thứ 58: Xương của bé đã cứng và chắc khỏe hơn. Da bé, trái lại, khá mỏng và trong suốt đến độ có thể nhìn thấy xương bên trong.

Mẹ làm cho con: Nếu mẹ lựa chọn thực hiện sàng lọc sớm ngay trong giai đoạn đầu mang thai bao gồm xét nghiệm máu đặc biệt và siêu âm, bác sĩ có thể ước đoán khả năng bé mang các hội chứng Down hoặc Edwards. Nếu kết quả cho thấy khả năng đủ cao, mẹ có thể phải trải qua các xét nghiệm sâu hơn – có thể phải xâm lấn và gây ra một số rủi ro với em bé đang lớn. Khi mẹ quyết định thực hiện các xét nghiệm và sàng lọc trước khi sinh, hãy luôn cân nhắc giữa rủi ro và giá trị của kết quả xét nghiệm.

Ngày thứ 59: Cơ quan sinh dục ngoài của bé đã tạo hình gần như hoàn chỉnh. Trong khoảng 7 tuần nữa, kỹ thuật siêu âm đã có thể chỉ ra mẹ đang mang thai bé trai hay bé gái.

Mẹ làm cho con: Nếu mẹ không biết một bài hát ru hoặc bài ca êm dịu tình cảm nào, hôm nay là một ngày để mẹ có thể in ra lời vài bài hát yêu thích. Ngay cả khi còn trong bụng mẹ, bé vẫn được vỗ về từ chất giọng của mẹ. Tưởng tượng xem giọng hát của bạn an ủi bé thế nào khi bé phải thay đổi từ trong dạ con yên ấm của mẹ ra thế giới sôi động bên ngoài.

Ngày thứ 60: Chuyển động của bé càng lúc càng khác nhau. Bé có thể nhẹ nhàng nhấn bàn tay mình vào miệng hoặc giơ nắm đấm và giữ phía trước như một võ sĩ quyền anh.

Hình ảnh thai nhi tuần thứ 9 – Ảnh: Babycenter

Mẹ làm cho con: Mẹ có thể rất mê món sushi trước khi mang thai, nhưng giờ đây thì hãy tìm một món khác, cá sống là món cấm kỵ trong thai kỳ. Cá sống là mảnh đất màu mỡ cho các sinh vật ký sinh và / hoặc vi khuẩn listeria. Nếu mẹ không thể đợi 29 tuần nữa để ăn sushi, hãy kiềm chế bản thân với lựa chọn rau củ hoặc sushi chín.

Ngày thứ 61: Bé đã hành động như là trẻ sơ sinh. Nếu mẹ có thể nhìn thấu bên trong tử cung, mẹ sẽ thấy bé nuốt, ngáp và ngậm ngón tay.

Mẹ làm cho con: Nạp vào canxi là việc thiết yếu giúp cho xương và răng của bé khỏe. Ăn nhẹ bằng các chế phẩm từ sữa như pho mát và sữa chua và uống nhiều sữa là những cách tốt nhất để tăng cường canxi. Đây là một gợi ý cho mẹ biết mẹ cần nạp vào bao nhiêu một ngày, 3 tách sữa hoặc sữa chua là đủ thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của mẹ.

Ngày thứ 62: Ruột của bé khá dài vì chúng cần phát triển bên ngoài cơ thể bé, kéo dài thành dây rốn. Ngày hôm nay, số ruột này đã tìm được một nơi chốn hợp lý bên trong cơ thể bé.

Mẹ làm cho con: Rửa rau củ và trái cây thật cẩn thận trước khi ăn, ngay cả với các loại rau củ quả dán nhãn “đã làm sạch”. Việc tạo thói quen rửa tay thường xuyên cũng giúp mẹ tránh nhiễm khuẩn gây hại cho bé.

Ngày thứ 63: Bé giờ đã dài hơn 6cm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng chừng 28-30gr.

Mẹ làm cho con: Nếu mẹ cần phải đi lại bằng đường hàng không, mẹ có thể không chắc chắn được là máy dò x-quang an ninh sân bay có thể gây nguy hiểm cho bé trong bụng hay không. Cũng không chắc chắn rằng bức xạ không i-on hóa ở mức thấp (an toàn hơn bức xạ i-on hóa sử dụng trong bệnh viện) có thể gây ra bất cứ nguy hại nào cho em bé. Nếu mẹ phải di chuyển quá thường xuyên bằng máy bay, mẹ có thể lựa chọn kiểm tra cá nhân tại bộ phận an ninh thay vì bước qua máy quét.

Nhật ký mẹ mang thai – Tuần thứ 9

Ngày thứ 57: Khung sườn của mẹ được nới rộng và mẹ có thể thở gấp hơn bình thường. Mẹ cũng có thể cảm thấy khó thở khi em bé càng chiếm nhiều không gian trong bụng mẹ hơn thì phổi càng không đủ không gian để nở ra.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu mẹ bị hen suyễn hoặc bất kỳ rối loạn chức năng phổi nào khác, cũng không cần phải lo lắng quá. Hầu hết phụ nữ bị hen suyễn có thể kiểm soát an toàn vấn đề thở của họ bằng máy hô hấp và thuốc họ vẫn thường dùng. Chỉ cần bác sĩ biết tình trạng của mẹ và bật đèn xanh cho mẹ tiếp tục sử dụng thuốc men đang dùng là được.

Ngày thứ 58: Nghe có thể khá lạ lùng, mẹ có thể không phải là người duy nhất nếm trải kinh nghiệm thai nghén. Hội chứng Couvade (đàn ông mang thai cùng vợ) gây ra các triệu chứng thai nghén điển hình tương tự trên các ông bố, khiến họ cũng tăng cân, buồn nôn và mệt mỏi, thậm chỉ cả đau thắt bụng khi vợ lâm bồn.

Mẹ làm cho mẹ: Khi bố cũng trải qua các triệu chứng mang thai, có mẹ thấy rất cảm động với cảm giác anh ấy đồng cảm với mình, có mẹ lại thấy bực bội với ý nghĩ anh ấy chỉ giả vờ hoặc đang tranh giành sự chăm sóc với mình. Hội chứng Couvade đã được nghiên cứu khoa học và chứng thực, vì vậy tốt nhất là mẹ nên cùng chịu đựng với bố trong suốt khoảng thời gian kỳ cục này của hai người.

Ngày thứ 59: Nếu mẹ cũng giống như bao mẹ khác, hôm nay mẹ sẽ thèm ăn sô-cô-la, kem, trái cây và khoai tây rán tẩm muối. Trong trường hợp hiếm hoi hơn, mẹ ở trong tình trạng gọi là Pica, mẹ sẽ thèm những món không phải thực phẩm như nước đá, đất sét, phấn, cát, than. Tình trạng này là không phổ biến và gây ra bởi sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể mẹ.

Mẹ nên để sẵn bánh quy và snack để nhâm nhi khi đói. Ảnh: Inmagine.

Mẹ làm cho mẹ: Tốt nhất là không chạy theo bất kỳ cơn thèm quá khích nào. Những sự thôi thúc này là dấu hiệu bạn đang thiếu chất dinh dưỡng nào đó như sắt và kẽm. Hãy uống thuốc bổ sung ngay.

Ngày thứ 60: Mẹ thấy khó mà tỉnh táo khi làm việc hay ở nhà, nhưng mẹ không thể lấy café ra để giải quyết tình hình đâu nhé! Vậy mẹ mang thai phải làm gì?

Mẹ làm cho mẹ: Vươn vai và duỗi thẳng chân tay, mẹ cũng có thể đứng dậy đi tới đi lui để máu huyết lưu thông trở lại. Nếu mẹ vẫn thấy kiệt sức, thu xếp để đi ngủ sớm vào tối nay nếu mẹ không muốn tái diễn tình hình vào ngày mai. Tốt hơn là ngủ một giấc ngắn khi thấy mệt, nếu mẹ có thể.

Ngày thứ 61: Cơ thể của mẹ, đặc biệt là cái bụng nhô ra phía trước, như một thỏi nam châm hút những ánh nhìn và mọi người muốn sờ bụng mẹ. Mẹ có thể cảm thấy lúng túng với sự quan tâm đó hoặc cảm thấy hoàn toàn thích thú.

Mẹ làm cho mẹ: Đây là lúc mẹ điều chỉnh lại sự quan tâm thái quá mà mẹ nhận được trong suốt thai kỳ. Dù tốt dù xấu, sớm muộn mẹ cũng sẽ trở thành biểu tượng sinh sôi nảy nở di động và nhận được nhiều cái sờ bụng không mong muốn. Hãy để mọi người biết nếu họ xâm phạm thái quá vào không gian cá nhân của mẹ. Mặt khác, hãy cố tận hưởng sự quan tâm này và tự nhắc mình rằng mình thật đặc biệt và tuyệt vời thế nào khi mang thai.

Ngày thứ 62: Tình trạng ốm nghén vẫn sẽ tiếp tục tác động lên mẹ. Nếu mẹ nôn mửa nhiều trong hôm nay, cơ thể có thể mất đi một lượng dự trữ kali quý báu.

Mẹ làm cho mẹ: Luôn mang bên mình thức ăn nhẹ như bánh quy hoặc các loại hạt để lấy lại năng lượng nhanh và chống buồn nôn. Nếu nôn mửa là vấn đề của mẹ, ăn 1-2 quả chuối mỗi ngày để bù đắp lượng kali thất thoát.

Ngày thứ 63: Các cơ sản khung chậu của mẹ đã nới lỏng hơn so với trước thai kỳ, gây són tiểu khi mẹ cười hoặc hắt hơi.

Mẹ làm cho mẹ: Hãy bỏ vài phút để tập bài tập sàn khung chậu (bài tập Kegel) mỗi ngày để tăng sức mạnh cho cơ sàn khung chậu và giúp mẹ tránh són tiểu. Siết cơ mẹ dùng để ngăn nước tiểu, giữ, và thả. Thêm vào đó, bài tập này còn giúp tăng lực đẩy cho mẹ khi rặn đẻ.


NHẬT KÝ THAI KỲ
Bảng tra cứu theo tuần thai

Tam cá nguyệt đầu tiên – Tuần 1-12

Tháng đầu tiên Tuần 1 Tuần 2 Tuần 3 Tuần 4
Tháng thứ hai Tuần 5 Tuần 6 Tuần 7 Tuần 8
Tháng thứ ba Tuần 9 Tuần 10 Tuần 11 Tuần 12

Tam cá nguyệt thứ hai – Tuần 13-28

Tháng thứ tư Tuần 13 Tuần 14 Tuần 15 Tuần 16
Tháng thứ năm Tuần 17 Tuần 18 Tuần 19 Tuần 20
Tháng thứ sáu Tuần 21 Tuần 22 Tuần 23 Tuần 24
Tháng thứ bảy Tuần 25 Tuần 26 Tuần 27 Tuần 28

Tam cá nguyệt thứ ba – Tuần 29-38

Tháng thứ tám Tuần 29 Tuần 30 Tuần 31 Tuần 32 Tuần 33
Tháng thứ chín Tuần 34 Tuần 35 Tuần 36 Tuần 37 Tuần 38

Nguồn: Webtretho (Countdown to baby)