Mang thai – Tuần thứ 13

Mẹ bước qua tuần đầu tiên của tam cá nguyệt thứ 2. Lúc này mẹ đã cảm nhận được sự chuyển động rõ ràng của bé. Mẹ đổ mồ hôi nhiều và mẹ phải trải nghiệm thêm chứng vọp bẻ nữa. Trong khi đó thân nhiệt của bé hoàn toàn  lệ thuộc nhiều vào mẹ. Lượng ối tăng nên bé dễ bơi lội hơn, lúc này bé nặng khoảng 57gr và dài khoảng 12-13cm tính từ đỉnh đầu đến chỏm mông.

Nhật ký bé trong bụng mẹ – Tuần thứ 13

Ngày thứ 85: Nhau thai của mẹ bắt đầu sinh nhiệt khiến thân nhiệt của mẹ tăng lên một chút và giúp ổn định thân nhiệt của em bé luôn cao hơn mẹ khoảng 0,55 độ C.

Mẹ làm cho con: Vì thân nhiệt của mẹ gắn chặt với con, nên mẹ hãy tiếp tục giữ thân nhiệt của mình ở mức an toàn (trong khoảng 37.8 độ C hoặc thấp hơn một chút). Điều này có thể đồng nghĩa với việc mẹ giảm cường độ tập luyện khi trời nóng và sử dụng acetaminophen để hạ cơn sốt cao.

Hình ảnh thai nhi ở tuần 13 – Ảnh: Babycenter

Ngày thứ 86: Hôm nay, bé yêu trong bụng đã bắt đầu có lông mày.

Mẹ làm cho con: Bạn là một bà mẹ yêu quý thiên nhiên và mong muốn nuôi dạy con theo hướng thân thiện với môi trường? Hãy bắt đầu bằng việc sử dụng tã bỉm thân thiện với môi trường. Trong khi tã tái sử dụng thực sự không tiện lợi, một số nhãn hiệu cung cấp những loại tã làm từ cotton chưa tẩy trắng. Sử dụng các loại tã không chứa chất tẩy giúp bảo vệ bé vả cả môi trường khỏi các hóa chất có hại.

Ngày thứ 87: Sự gia tăng lượng nước ối trong túi thai cho phép bé yêu có thể dễ dàng và thoái mái bơi lội hơn. Lúc này có khoảng gần 1 lít nước ối để hỗ trợ và giữ cho cơ thể đang phát triển rất nhanh của bé lơ lửng trong bụng mẹ.

 

Mẹ đã có thể cân nhắc việc sắm sửa đồ cho bé. Ảnh: Inmagine.

Mẹ làm cho con: Nếu các bà mẹ khác ngỏ ý chuyển cho mẹ những vật dụng và quần áo đã qua sử dụng của con họ, hãy đón nhận. Mẹ sẽ tiết kiệm được một ít tiền để có thể mua được những thứ lớn hơn. Hơn nữa, càng nhiều quần áo cho bé thì càng tốt thôi khi em bé làm ướt chúng rất nhanh và mẹ thì đâu muốn giặt giũ mỗi ngày, phải không nào?

Ngày thứ 88: Mật độ xương của bé đang tăng ổn định và lúc này bàn tay của bé đã có thể xiết chặt thành năm đấm nhỏ.

Mẹ làm cho con: Mẹ có thể thưởng thức bữa tối ngon lành với món thịt cá hồi tươi và măng tây vì cá hồi là nguồn cung cấp dồi dào vi chất omega-3 và selen cho sự phát triển não bộ của bé, trong khí đó măng tây cung cấp chrom giúp ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ.

Ngày thứ 89: Bé yêu trong bụng mẹ lúc này vẫn chưa hình thành cơ chế ngủ. Mức độ hoạt động của bé khá ổn định trong suốt ngày đêm và bé hiếm khi nghỉ ở một vị trí quá 7 phút.

Mẹ làm cho con: Nếu bố mẹ chuẩn bị sơn phòng cho bé, mẹ hãy nhường công việc này cho người khác và tạm tránh đi. Hít thở phải bụi sơn có thể gây hại cho bé yêu dù chưa rõ tác hại chính xác. Giữ nhà cửa luôn thông thoáng trong khi sơn sửa và tránh sử dụng sơn xịt bởi vì chúng phun vào không khí nhiều thành phần nguy hại hơn.

Ngày thứ 90: Dây nhau của bé lúc này lưu chuyển khoảng 19 lít chất lỏng mỗi ngày. Máu lưu thông ổn định của bé giúp giữ thẳng dây nhau và ngăn ngừa sự cố nhau thắt nút hoặc bị rối.

Mẹ làm cho con: Nghiên cứu trên động vật cho thấy sự liên quan giữa chế độ ăn nhiều nitrat (ví dụ như xúc xích, thịt lợn muối…) với nguy cơ sinh con nhẹ cân. Nếu mẹ thích xúc xích nhưng lo lắng về những tác động nghi vấn của nitrat đối với sự phát triển của bé, hãy chọn những loại xúc xích không chứa nitrat tại siêu thị và các cửa hàng thực phẩm tự nhiên. Các loại xúc xích không nitrat thực chất vẫn có thể chứa nitrat chiết xuất từ thực vật, nhưng chất này an toàn hơn cho bé yêu.

Ngày thứ 91: Lúc này bé nặng khoảng 57gr và dài khoảng 12-13cm tính từ đỉnh đầu đến chỏm mông.

Mẹ làm cho con: Đừng ngại nói chuyện hay hát cho con nghe ngay từ giai đoạn này của thai kỳ. Mặc dù tai bé vẫn đang phát triển, nhưng bé đã có thể nghe được nhiều âm thanh khác nhau và nhận ra được giọng của mẹ. Nếu mẹ thấy quá chán với giọng của mình, hãy cho bé nghe nhạc để thay thế.

Nhật ký mẹ mang thai – Tuần thứ 13

Ngày thứ 85: Nhau thai của mẹ lúc này là nguồn cung cấp chính nội tiết tố progesterone giúp duy trì thai. Sự gia tăng nội tiết tố mà nó cung cấp thúc đẩy sự trao đổi chất và khiến mẹ cảm thấy hạnh phúc và sung sức hơn.

Mẹ làm cho mẹ: Trong khi một số phụ nữ phải chịu đựng tình trạng ốm nghén trong suốt thai kỳ, hầu hết các mẹ được giải phóng khỏi những cơn buồn nôn vào tuần này hoặc tuần kế tiếp. Hãy đón nhận năng lượng dồi dào và tâm trạng phấn chấn hơn để giải quyết các dự án hoặc công việc lặt vặt làm mẹ mệt mỏi cả tháng nay.

Phác thảo tam cá nguyệt thứ 2 (tuần 13 – 28). Ảnh: Medicine.net.

Ngày thứ 86: Nếu mẹ đã thừa cân từ trước khi mang thai, mẹ có thể được bác sĩ cảnh báo về các nguy cơ máu vón cục, tăng huyết áp và tiểu đường thai kỳ cao hơn trong thai kỳ.

Mẹ làm cho mẹ: Tập luyện thường xuyên và cân nhắc kỹ lượng calo trội thêm mà mẹ tiêu thụ sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe khi mẹ thừa cân. Cố gắng hạn chế sự tăng cân trong mức 8-12kg thay vì 12-18kg.

Ngày thứ 87: Mẹ có thể cảm nhận được sự chuyển động của em bé trong bụng lần đầu tiên vào hôm nay. Rất dễ bỏ qua những chuyển động đầu tiên này như những bóng khí hoặc chứng khó tiêu, nhưng mẹ sẽ sớm phân biệt chúng một cách dễ dàng.

Mẹ làm cho mẹ: Đừng vội hoảng loạn nếu mẹ chưa cảm thấy chuyển động của con. Với một số phụ nữ, phải mất thêm 30 ngày nữa mới chắc chắn được sự rung động ở bụng dưới đó đúng là em bé. Cảm thấy bé trong bụng “sôi nổi” sẽ khiến mẹ rất xúc động và càng làm tăng mức độ mãn nguyện về vai trò làm mẹ của mình.

Ngày thứ 88: Nếu trước khi mang thai, mẹ có cân nặng bình thường thì đến lúc này mẹ chắc hẳn đã tăng thêm khoảng 2,5kg từ lúc mang thai.

Mẹ làm cho mẹ: Bước lên bàn cân vào mỗi kỳ khám thai có thể mẹ cảm thấy không thoải mái.  Nếu mẹ băn khoăn được việc thay đổi trọng lượng của mình, hãy nghĩ rằng đây là khoảng thời gian hiếm hoi trong đời bạn có quyền hãnh diện về việc tăng cân. Hãy chia sẻ với bạn đời về cảm giác bất an của mình và nhờ anh ấy nhắc nhở mẹ rằng sự tăng cân này có nghĩa là mẹ đang hoàn thành thiên chức của mình.

Ngày thứ 89: Nếu trước đó mẹ thường hay nằm sấp khi ngủ, thì lúc này mẹ không thể tiếp tục việc đó với chiếc bụng của mình. Hãy nằm nghiêng khi ngủ, cho dù mới bắt đầu không dễ dàng chút nào.

Mẹ làm cho mẹ: Đây là lúc mẹ nên đầu tư cho vài chiếc gối dành riêng cho thai phụ hoặc thêm gối để hỗ trợ tư thế nằm ngủ của mẹ. Mẹ có thể cần phải thử vài kiểu kết hợp gối trước khi tìm ra cách đặt gối phù hợp nhất với mình.

Ngày thứ 90: Mẹ có thể nhận ra mình đổ mồ hôi nhiều hơn thường lệ khi lên xuống cầu thang. Lượng máu gia tăng trong cơ thể mẹ giúp hỗ trợ cho em bé đang lớn, nhưng điều đó cũng khiến mẹ toát mồ hôi nhiều hơn.

Mẹ làm cho mẹ: Tích cực sử dụng các loại lăn khử mùi để hạn chế sự đổ mồ hôi và mùi khó chịu ở những vùng nhạy cảm. Mẹ cùng cần uống nhiều nước để bù nước do đổ mồ hôi.

Ngày thứ 91: Nếu mẹ giống các phụ nữ khác, mẹ có thể trải qua những cơn co thắt, nó có tên gọi là Braxton Hicks, triệu chứng co thắt tử cung giả. Sự co thắt này sẽ tương tự như chứng vọp bẻ và co khít lại ở bề mặt tử cung đồng thời bao tử sẽ cuộn mạnh.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu mẹ phải trải nghiệm chứng vọp bẻ mỗi sáng và mỗi tối thì hãy để cho cơ thể nặng nề của mình được thư giãn và nghỉ ngơi thật nhiều, điều này đồng nghĩa với các cơn co thắt cũng sẽ giảm đi rõ rệt. Nếu cơn co thắt dồn dập và làm mẹ  đau đớn nhiều, hãy gọi cho bác sĩ sản khoa ngay lập tức.

 

NHẬT KÝ THAI KỲ
Bảng tra cứu theo tuần thai

Tam cá nguyệt đầu tiên – Tuần 1-12

Tháng đầu tiên Tuần 1 Tuần 2 Tuần 3 Tuần 4
Tháng thứ hai Tuần 5 Tuần 6 Tuần 7 Tuần 8
Tháng thứ ba Tuần 9 Tuần 10 Tuần 11 Tuần 12

Tam cá nguyệt thứ hai – Tuần 13-28

Tháng thứ tư Tuần 13 Tuần 14 Tuần 15 Tuần 16
Tháng thứ năm Tuần 17 Tuần 18 Tuần 19 Tuần 20
Tháng thứ sáu Tuần 21 Tuần 22 Tuần 23 Tuần 24
Tháng thứ bảy Tuần 25 Tuần 26 Tuần 27 Tuần 28

Tam cá nguyệt thứ ba – Tuần 29-38

Tháng thứ tám Tuần 29 Tuần 30 Tuần 31 Tuần 32 Tuần 33
Tháng thứ chín Tuần 34 Tuần 35 Tuần 36 Tuần 37 Tuần 38

Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Countdown to baby