Có nên chọn ngày, giờ để sinh con?

Ngày càng có nhiều sản phụ chọn phương pháp sinh mổ, họ quan niệm rằng việc phẫu thuật giúp họ lựa chọn được ngày sinh, tháng đẻ, giờ sinh và cả bác sĩ mát tay và số giường, số phòng… để sinh con quý tử, hợp với bố mẹ… Yếu tố tâm linh là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều sản phụ chọn phương pháp phẫu thuật thay vì sinh đẻ tự nhiên. Nhưng có thật sự là ai sinh vào ngày, giờ “vàng” cũng tốt không? Và việc chọn ngày, giờ để sinh con có những ảnh hưởng như thế nào đến thai phụ và thai nhi?

Những con số đáng báo động

Theo nghiên cứu mới đây của nhóm bác sĩ Bệnh viện phụ sản TƯ và Trường Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ mổ lấy thai ở nước ta đang có xu hướng tăng dần. Hiện, tỷ lệ này ở Bệnh viện phụ sản TƯ là gần 41%, Bệnh viện phụ sản Hà Nội là hơn 43%. Trong số 423 bà mẹ (ở hai quận Hoàn Kiếm, Gia Lâm) tham gia nghiên cứu, có 30,3% bà mẹ mổ lấy thai, trong đó, 14% muốn mổ lấy thai để chọn được ngày, giờ sinh tốt cho đứa trẻ và 16,7% là do chịu sự tác động từ phía gia đình…

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thời điểm tỷ lệ mổ đẻ chiếm tới 60% các ca sinh nở.

Con số thấp hơn, như ở Bệnh viện TP Hồ Chí Minh các ca mổ đẻ cũng chiếm trên 30%. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, tỷ lệ này cũng trên 40% ca mổ đẻ. Trong khi đó, mức trung bình trên thế giới chỉ chiếm trên 10% tổng số các ca sinh.

Nhiều nguy cơ cho mẹ và con

Theo các bác sĩ, có thể tiến hành các ca mổ đẻ trước từ mấy tuần tuổi, miễn sao đảm bảo theo tiêu chuẩn, chỉ định của ngành y tế. Nhưng việc can thiệp thai nhi sớm, chắc chắn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bào thai cũng như đứa trẻ sau này và cả người mẹ nữa.

Theo đó, dù nguyên nhân nào thì việc đứa trẻ chào đời do không được ra bằng đường tự nhiên (trẻ không đi qua ống âm đạo, phổi không bị ép để tống xuất các chất dịch) nên dạ dày và phổi có thể vẫn còn nước ối. Sự tồn ứ dịch trong phổi trẻ làm tăng nguy cơ suy hô hấp, gây bệnh màng trong.

Đây là các bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh, việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, sự chuyển dạ của người mẹ sẽ sản sinh ra nhiều hormon giúp trẻ đề kháng tốt. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ thiếu những hormon cần thiết nên thường yếu hơn những trẻ sinh thường.

Việc sinh mổ còn có thể dẫn đến những biến chứng cho người mẹ trong lần mang thai sau, nhất là nguy cơ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung ở mẹ, nhau thai bám vào vết mổ cũ… rồi lần sinh con sau hầu như đều phải mổ, quá trình mang thai sau cũng phải theo dõi sát sao, căng thẳng hơn.

Vì vậy, trước khi đề nghị chọn ngày giờ sinh mổ, sản phụ cần tìm hiểu kỹ những ích lợi và tác hại của nó, lắng nghe những tư vấn của bác sĩ. Nếu bác sĩ không chỉ định mổ lấy thai, sản phụ nên sinh con theo cách tự nhiên. Bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh mổ trong một số trường hợp như: thai quá to, người mẹ có bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường hay dị tật về cơ thể, mẹ mang thai nhiều bé cùng một lúc, trẻ bị tràng hoa quấn cổ có nguy cơ tử vong, thai ngược…

Theo SKDS