Phát hiện và điều trị kịp thời bệnh trĩ
Cho em hỏi, cách đây khoảng 2 năm về trước em ít ăn rau nên khoảng 4-6 ngày mới đi đại tiện một lần, còn từ khoảng 2 năm trở lại đây thì thường là mỗi ngày hoặc là 2 ngày. Nhưng ở thành hậu môn của em sao có khoảng 1 múi nó to lên khoảng gần bằng hạt gạo, đụng mới đầu hơi đau sau thì không,xin cho em hỏi em bị bệnh gì vậy?(Mai Hồng Nữ)
Trả lời:
Theo như em mô tả, có thể em đang bị bệnh trĩ. Vậy bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch lan rộng lên thành của trực tràng và các mô vùng cửa hậu môn. Những tĩnh mạch này bị sưng và giãn ra ở phía trong hậu môn (bệnh trĩ trong) hoặc xung quanh bề mặt ngoài của hậu môn (bệnh trĩ ngoài). Bệnh trĩ trong thường gây chảy máu sau khi đi đại tiện.
Nguyên nhân gây bệnh:
– Mệt mỏi và căng thẳng khi đi đại tiện gây áp lực lên các tĩnh mạch vùng ruột và hậu môn
– Khó khăn trong việc đại tiện, bị táo bón thường xuyên
– Bị bệnh tiêu chảy
– Đang trong thời gian mang bầu
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng điển hình của bệnh trĩ là cảm giác ngứa, nóng rát, đau và có thể bị sưng vùng hậu môn. Bệnh càng nặng nếu thường xuyên bị táo bón.
Một số cách giúp giảm bệnh trĩ (chỉ có tính chất tham khảo):
1. Thoa chất gel trong thân cây lô hội trực tiếp lên vùng hậu môn sẽ giúp làm giảm đau và làm dịu cảm giác nóng rát.
2. Ngâm 3 – 4 quả sung trong cốc nước rồi để qua đêm và uống cốc nước này khi chưa ăn gì vào sáng hôm sau.
3. Nghiền nhỏ hỗn hợp 1 thìa hạt thìa là đen đã rang với 1 thìa hạt thìa là đen chưa rang. Cho 1/2 thìa hỗn hợp này vào 1 cốc nước uống 1 lần mỗi ngày, đây là cách trị bệnh trĩ rất hiệu quả.
4. Hạt xoài phơi khô (không phơi trực tiếp dưới ánh nắng) rồi nghiền nhỏ, trộn 1,5 – 2gr bột hạt xoài với mật ong hoặc ăn bột xoài không 2 lần/ngày.
5. Bột củ cải trắng cũng rất tốt cho những người bị trĩ. Trộn 100mg bột củ cải trắng với 1 thìa mật ong chia thành 2 lần mỗi ngày.
Dùng từ 60 – 90mg nước ép củ cải trắng cho thêm chút muối để uống vào buổi sáng và tối cũng trị bệnh trĩ rất tốt.
6. Uống 1 cốc sữa nóng pha thêm bột chuối nhão; 3 lần/ngày.
7. Dùng hỗn hợp 1 thìa nước chanh, 1 thìa nước ép lá bạc hà và 1 thìa mật ong; uống 3 lần/ngày
8. Uống 1 thìa nước ép lá cây rau mùi cho thêm ít đường, 3 lần/ngày.
9. Trộn bột hạt thìa là với nước thành hỗn hợp bột nhão và bôi lên vùng hậu môn giúp giảm đau trĩ hiệu quả.
Tuy nhiên đối với trường hợp của em, chúng tôi khuyên em nên đi khám ngay. Để khám và điều trị bệnh trĩ, em cần liên hệ với khoa ngoại của các bệnh viện đa khoa hoặc các Trung tâm Y tế quận, huyện. Thời gian điều trị bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng người, nhưng phát hiện và điều trị càng sớm thì bệnh càng mau khỏi.
Ngoài ra, đối với bệnh trĩ, phương pháp điều trị chủ yếu là điều chỉnh chế độ ăn uống, có chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh táo bón, tránh làm việc nặng và tránh ngồi nhiều hoặc đứng lâu. Chỉ khoảng 10-15% bệnh nhân mắc bệnh trĩ cần được điều trị thật sự, trong đó 5-10% trường hợp cần phải phẫu thuật.
Theo VnMedia