Triệu chứng hôn mê
Hôn mê là một cấp cứu nội khoa. Chẩn đoán hôn mê thì dễ, nhưng xác định được nguyên nhân gây ra hôn mê thì không đơn giản. Khi bệnh nhân đã bị hôn mê thường là rất nặng, nên cần được đưa ngay đến các cơ sở cấp cứu của bệnh viện để khám xác định nguyên nhân và có biện pháp xử trí kịp thời. Nếu để muộn, bệnh nhân có thể tử vong tại nhà hoặc trên đường vận chuyển.
Các nguyên nhân gây hôn mê
Ngoài các trường hợp biết rõ như sau chấn thương sọ não, hôn mê là giai đoạn kết thúc của một bệnh nặng trước khi hấp hối, thì hầu hết các trường hợp hôn mê đều là một cấp cứu. Nếu nắm chắc được tiền sử của bệnh nhân thì rất thuận lợi cho việc chẩn đoán nguyên nhân. Trong các trường hợp này cần có chẩn đoán thật nhanh. Dựa vào những dấu hiệu thần kinh chỉ điểm đi kèm với hôn mê như: liệt, co giật, dấu hiệu màng não… Có thể chia hôn mê thành 2 nhóm lớn: hôn mê có triệu chứng thần kinh chỉ điểm và hôn mê không có triệu chứng thần kinh chỉ điểm.
Hôn mê có triệu chứng thần kinh chỉ điểm
– Xuất huyết não: Xảy ra ở người lớn tuổi, có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hoặc có dị dạng bẩm sinh ở mạch máu não… Hôn mê xuất hiện đột ngột, có liệt nửa người, tiến triển ngày càng nặng. Nếu vùng xuất huyết nhỏ thì sau một thời gian người bệnh có thể hồi tỉnh, để lại ít nhiều di chứng. Trường hợp hôn mê nặng do lụt não thất, đa số là tử vong.
– Tắc động mạch não: Bệnh có biểu hiện giống như xuất huyết não là hôn mê và liệt nửa người, nhưng khởi phát từ từ, hôn mê không sâu, xảy ra ở người có hẹp van 2 lá có rung nhĩ, các bệnh van tim có biến chứng viêm nội tâm mạc bán cấp, người bị viêm tắc tĩnh mạch… Điều trị cho thuốc chống đông và các can thiệp khác.
– Xuất huyết màng não: Tính chất hôn mê giống như trong xuất huyết não. Gặp ở người cao tuổi có tăng huyết áp, xơ cứng động mạch bị xuất huyết ở màng não. Có các dấu hiệu màng não: nhức đầu, nôn, cổ cứng, dấu hiệu Kernig (+). Chọc dịch não tủy thấy máu đỏ, đồng thời lấy dịch não tủy làm các xét nghiệm sinh hóa, tế bào.
– Viêm màng não: Thường sốt. Có dấu hiệu màng não như xuất huyết não. Có thể co giật. Hôn mê xuất hiện dần dần. Dịch não tủy màu đục. Lấy dịch làm xét nghiệm sinh hóa, tế bào, vi khuẩn để tìm các nguyên nhân viêm màng não do vi khuẩn virut, lao…
– Viêm não: Bệnh nhân sốt nhiều hay ít, có co giật. Thường bệnh đã tiến triển một thời gian rồi mới hôn mê. Viêm não có khi kết hợp với viêm màng não hoặc do biến chứng của các bệnh như cúm, sởi, thủy đậu… Điều trị viêm não, viêm màng não bằng kháng sinh, thuốc chống co giật.
– Động kinh: Người đang bình thường, đột nhiên ngã ra, co giật toàn thân, sùi bọt mép, tiểu ra quần, rồi hôn mê. Hết cơn, bệnh nhân tự tỉnh lại, nhưng còn nhức đầu nhiều, người mệt mỏi, ngơ ngác. Trong và sau cơn động kinh, làm điện não đồ thấy sóng động kinh. Thường người nhà kể tiền sử bệnh nhân bị sinh khó, có lần bị sốt cao, bị vết thương hay chấn thương sọ não cũ, đã có các cơn động kinh giống nhau. Điều trị bằng các thuốc an thần, chấn thương lâu dài bệnh có thể cải thiện rất tốt.
– Hôn mê do hạ đường huyết: Hôn mê xảy ra đột ngột. Trước đó, bệnh nhân thấy chân tay bủn rủn, cảm giác cồn cào trong bụng, vã mồ hôi. Cơn co giật giống động kinh. Điều trị thử bằng tiêm dung dịch glucoza vào tĩnh mạch, bệnh nhân tỉnh ngay. Xét nghiệm đường huyết thấp. Hạ đường huyết gặp ở người bệnh đái tháo đường ăn uống kiêng khem quá mức hoặc dùng thuốc điều trị đái tháo đường quá liều. Hạ đường huyết còn gặp ở người có khối u tụy tạng. Cắt khối u thì bệnh khỏi.
– Hôn mê do đường huyết cao: Gặp ở người có bệnh đái tháo đường tự điều trị không đúng cách hoặc bị đái tháo đường không được điều trị. Bệnh nhân đang ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều thì chán ăn, tiểu ít, nhức đầu, nôn mửa, đi lỏng. Hơi thở có mùi acetone. Nhịp thở có chỗ ngắt quãng (Kussmaul). Điều trị bằng insulin tiêm.
– Phù não: Xảy ra trên người bị viêm thận, có phù to, urê máu cao, tăng huyết áp… Hôn mê xuất hiện từ từ sau một thời gian bị nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn. Có cơn co giật cục bộ hay toàn thân. Điều trị bằng lợi tiểu, truyền dịch.
– U não: Sau một thời gian dài nhức đầu tăng lên, rồi đau dữ dội; nôn vọt dễ dàng, mạch chậm, hôn mê, tùy theo vị trí của khối u chèn ép vào vùng não mà có các triệu chứng về thần kinh như mất vận động hay mất cảm giác và dấu hiệu về nội tiết, về mắt. Hôn mê xảy ra từ từ và tăng dần.
Hôn mê không có triệu chứng thần kinh chỉ điểm
Chia làm 2 loại là có sốt và không sốt
Loại có sốt:
Sốt rét ác tính: Hôn mê xảy ra sau những cơn sốt theo một chu kỳ và một giờ nhất định. Trước hôn mê thường có mê sảng, nói lung tung, đập phá, mất trí. Lách thường to. Tìm thấy ký sinh trùng sốt rét trong máu. Ngoài ra hôn mê còn do một số bệnh có kèm theo sốt như: sốt thương hàn nặng, Rickettsia, xoắn khuẩn, nhiễm khuẩn huyết…
Loại không có sốt:
– Hôn mê do urê huyết cao: Thường xảy ra trên bệnh nhân viêm cầu thận mạn tính, đưa đến suy thận và hôn mê tiến triển dần dần. Trước đó có nhức đầu, nôn, đi ngoài phân lỏng, tăng huyết áp, chân phù. Nhịp thở kiểu Cheynes, Stoke, đồng tử co. Xét nghiệm urê máu tăng cao. Cần truyền dịch, thẩm phân phúc mạc hoặc chạy thận nhân tạo.
– Hôn mê gan: Hôn mê xuất hiện dần dần. Bệnh nhân đã bị vàng da, vàng mắt từ lâu, gan to cứng, cổ trướng. Trước khi hôn mê, bệnh nhân nói lảm nhảm, la hét hoặc đập phá. Xét nghiệm amoniac máu tăng cao, chức năng gan bị rối loạn.
– Hôn mê do ngộ độc thuốc ngủ: hôn mê sâu, bệnh nhân nằm yên như người ngủ say. Mất phản xạ gân xương. Phải xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm chất độc. Xử trí: Rửa dạ dày và dùng các thuốc giải độc tùy theo từng nguyên nhân.
Tóm lại, khi một bệnh nhân đã hôn mê, thường là bệnh rất nặng, ta phải bình tĩnh đưa ngay người bệnh đến các cơ sở cấp cứu của bệnh viện để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời. Nếu để muộn, bệnh nhân có thể tử vong tại nhà hoặc trên đường vận chuyển. Có nhiều trường hợp do phát hiện được nguyên nhân kịp thời và điều trị đúng cách đã cứu sống được người bệnh tưởng chừng bó tay.
Theo SKDS