50 trẻ mầm non nhập viện vì bảo mẫu cho uống nhầm hóa chất
Bà Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Dương cho biết nguyên nhân khiến 50 em bé lớp mầm non trường Hòa Bình phải nhập viện là do bảo mẫu đã nhầm lẫn hóa chất Cloramin B dùng để diệt khuẩn làm sạch nước là… bột ngũ cốc nên pha cho các cháu uống.
Theo bà Lê, sau khi uống các bé có dấu hiệu bất thường nên trường đã thu hồi nước uống này và đưa toàn bộ học sinh 2 lớp mầm đi bệnh viện cấp cứu.
Cloramin B là hóa chất dùng lau sàn nhà, vệ sinh đồ dùng để sát khuẩn, phòng chống tay chân miệng.
Chiều 29/7, hàng chục trẻ em độ 2-3 tuổi học trường mầm non Hòa Bình ở Bình Dương đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, nôn ói. Suốt đêm hàng trăm phụ huynh tập trung ở bệnh viện lo lắng theo dõi tình trạng sức khỏe con em mình và bức xúc yêu cầu nhà trường giải thích nguyên nhân. Theo phụ huynh, đại diện trường cho biết có thể các cháu “bị sốc thuốc phòng chống tay chân miệng”.
![]() |
Nhiều bé vẫn còn tiếp tục điều trị vào sáng 30/7 tại bệnh viện thị xã Thuận An. Ảnh: N.T |
Sau khi kiểm tra các bác sĩ đã cho các cháu bị ngộ độc nhẹ xuất viện. Đến sáng 30/7, còn khoảng 20 bé vẫn tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện thị xã Thuận An, còn 3 ca nặng đã được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Bình Dương và Bệnh viện Nhi Đồng I (TP HCM) điều trị.
Nhiều phụ huynh trao đổi với VnExpress.net, không khỏi bức xúc khi biết việc làm tắc trách của các bảo mẫu. “Chúng tôi không loại trừ khả năng thiếu hiểu biết của bảo mẫu về công dụng của Cloramin B nên tự ý sử dụng mà không theo hướng dẫn”, một phụ huynh nói.
Bà Hồng Lê cũng khẳng định, rất có thể những người trực tiếp pha chế Cloramin B không biết gì về công dụng của sản phẩm nên đã dẫn đến việc pha nhầm làm thức uống cho các cháu.
Sáng cùng ngày, bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Mầm non – Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương cho hay, trường Hòa Bình bị phát hiện không đạt chuẩn để cấp phép hoạt động trong lần kiểm tra trước. “Đến nay trường Hòa Bình chỉ hoạt động bằng giấy cam kết đảm bảo các điều kiện trông giữ trẻ an toàn, cam kết giữ số lượng trẻ theo đăng ký giống như 339 nhóm trẻ (điểm giữ trả tự phát) đang hiện hữu trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, bà Trang cho hay.
![]() |
Trường Hòa Bình nơi xảy ra vụ việc, kiêm khu trọ của công nhân. Ảnh: N.T |
Theo ghi nhận của VnExpress.net, trường Hòa Bình là ngôi trường “2 trong 1”, bởi ngoài lớp học của các bé còn có 6 phòng trọ cho công nhân thuê ở. Chính những người thuê nhà cũng gửi con tại đây với giá 650.000 đồng mỗi tháng.
Tình trạng lao động nhập cư đến địa bàn đã phát sinh nhu cầu giữ trẻ của con em công nhân lao động rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống trường mầm non công lập lẫn tư thục theo chuẩn hiện vẫn không “phù hợp” với thu nhập của hầu hết công nhân lao động nhập cư. Trong đó chi phí giữ trẻ và giờ giấc nhận trông giữ khiến không ít các cháu bé ít có cơ hội đến những ngôi trường đạt chuẩn. Do đó các cơ sở, điểm giữ trẻ tự phát hiện nay mọc lên như nấm tại Bình Dương, nhất là xung quanh các khu công nghiệp.
Các trẻ nhỏ được gửi tại các điểm này luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro cao như những vụ việc điển hình xảy ra trong thời gian qua như: vụ cháu Trương Thuý Vy (12 tháng tuổi) chết tại trường Mần non tư thục Tuổi Ngọc (khu phố Nhị Đồng I, thị xã Dĩ An); vụ bảo mẫu Trần Thị Phụng ngụ khu phố Bình Thuận I, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An tắm “hành xác” bé Hồ Thị Thúy Ngân; hay bảo mẫu bị nghi cho các cháu bé uống thuốc an thần để khỏi khóc quấy…
Theo Vnexpress