Bạn đã biết cách xử lý khi bị bỏng?

Vết thương do bỏng có thể làm chết người do bị sốc hoặc để lại những di chứng nặng nề như mất chức năng vận động, để lại sẹo xấu… Tổn thương do bỏng gây ra rất đa dạng, vì vậy chúng ta cần hiểu rõ tình trạng và mức độ nguy hiểm của bỏng (độ nông sâu của bỏng, diện tích và vị trí của bỏng…) để có cách xử lý thích hợp.

Tưới nước lạnh ngay sau khi bị bỏng giúp giảm độ bỏng.

Về nguyên tắc, trước một trường hợp bỏng cần phải làm những việc như sau:

– Trước hết phải đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn, loại bỏ tác nhân gây bỏng. Phải tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giày, ủng, vòng, nhẫn… trước khi vết bỏng sưng nề.

– Giữ sạch vùng bỏng: Để tránh nhiễm khuẩn không được bôi dầu, mỡ… lên vùng bỏng; Không làm vỡ các đám da phỏng nước; Không được bóc da hoặc mảnh quần áo dính vào vết bỏng; Có điều kiện thì phủ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn nếu không thì dùng vải sạch.

– Phòng chống sốc: Cho nạn nhân uống nhiều nước vì nạn nhân bị mất nước, đặc biệt khi phải chuyển nạn nhân đi xa (chỉ cho nạn nhân uống nước khi nạn nhân tỉnh táo, không bị nôn và không có những chấn thương khác). Nếu có điều kiện thì cho nạn nhân uống dung dịch oresol, nếu không có thì pha nước muối nhạt (có vị đậm như canh ăn hằng ngày là được). Cho nạn nhân uống thuốc giảm đau thông thường, chỉ được dùng thuốc giảm đau mạnh khi chắc chắn rằng nạn nhân không có chấn thương bên trong kèm theo.

Bỏng được chia làm 3 mức độ và tùy mức độ bỏng mà xử lý cho phù hợp:

Bỏng không rộp (bỏng độ 1), chỉ có lớp ngoài cùng của da bị tổn thương. Vùng bỏng không bị rộp mà đỏ ửng lên, nạn nhân đau rát nhiều do đầu mút đây thần kinh bị kích thích. Trường hợp này thường tự khỏi sau 3 ngày nên có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong ngày đầu bị bỏng, nên cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau thông thường như thuốc paracetamol hoặc aspirin.

Bỏng rộp (bỏng độ 2), lớp biểu bì và một phần của lớp trung bì bị tổn thương, các túi phỏng nước được hình thành, nếu các túi phỏng nước vỡ ra sẽ để lộ bề mặt màu hồng và cũng rất đau. Khi được sơ cứu đúng cách, giữ sạch vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn thì bỏng độ 2 sẽ tự khỏi sau vài ba tuần. Cũng giống như bỏng độ 1, nên cho nạn nhân uống thuốc giảm đau. Cần lưu ý, sau khi lành bệnh, đám da bị bỏng sẽ có màu đỏ trong một thời gian dài mới trở lại màu sắc bình thường. Nếu bỏng độ 2 bị nhiễm khuẩn thì lớp da dưới sẽ bị phá hủy và bỏng độ 2 sẽ chuyển thành bỏng độ 3. Chính vì vậy bỏng độ 2 cũng cần phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.

Bỏng sâu (bỏng độ 3), lớp da ở vùng bỏng bị tổn thương toàn bộ (bao gồm cả lỗ chân lông và tuyến mồ hôi). Lúc này nhìn thấy vùng da bị bỏng có màu trắng nhợt hoặc màu xám, khô cứng. Trái ngược với bỏng độ 1 và 2, nạn nhân bị bỏng độ 3 đau ít hơn do các đầu mút của dây thần kinh đã bị phá hủy. Nhưng bỏng càng sâu thì nạn nhân bị mất nước càng nhiều do đó rất dễ bị sốc và tử vong. Trường hợp này nhất thiết phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Độ sâu của một vết bỏng nhiều khi không đều nhau vì độ sâu của các vết bỏng phụ thuộc vào nhiệt độ và thời gian tác động lên da. Vì vậy để giảm độ sâu của bỏng, ngay sau bị nạn (hoặc tối đa là 30 phút) phải dùng thật nhiều nước lạnh sạch tưới liên tục lên vùng da bị bỏng.

Một cách nữa để đánh giá bỏng nặng hay bỏng nhẹ là ước tính diện tích vết bỏng. Để dễ ước lượng diện tích vùng bỏng người ta thường dùng phương pháp số 9: đầu và cổ hoặc 1 tay tương đương 9% diện tích da của cơ thể; mặt trước thân, mặt sau thân hoặc 1 chân tương đương 18%. Bỏng càng rộng thì càng nguy hiểm vì bỏng càng rộng càng gây mất nhiều dịch của cơ thể, gây đau nhiều hơn, dễ bị sốc (do đau, do mất nước, do giảm thể tích máu…) và dễ bị nhiễm khuẩn. Đối với người lớn, nếu vùng da bị bỏng chiếm từ 10% diện tích da, trẻ em bị bỏng từ 5-7% trở lên phải được coi là bỏng nặng và phải được chuyển đến cơ sở y tế cấp cứu càng nhanh càng tốt.

Ngoài 2 cách kể trên còn căn cứ vào vị trí bỏng trên cơ thể để có cách xử lý đúng, hoặc là trì hoãn được hoặc là phải chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế. Chẳng hạn như bỏng vùng đầu mặt cổ, đặc biệt là bỏng mắt; hoặc bỏng vùng sinh dục; hoặc bỏng vùng khớp, đặc biệt là khớp bàn tay, bàn chân, nách, bẹn… thì không thể điều trị bệnh nhân tại nhà cho dù là bỏng nhẹ.

BS. Vũ Ngọc Tú-suckhoedoisong.vn