Quá nhiều bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng!
Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng đang tăng nhanh khi hiện đã có hơn 10 ngàn loại TPCN trên thị trường nhưng kéo theo đó là nỗi lo về chất lượng, giá cả, độ trung thực của thông tin… Tất cả bắt nguồn từ khâu quản lý còn quá nhiều bất cập.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long tại hội thảo Vai trò của thực phẩm chức năng và công tác quản lý mới diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: H.Hải
Không cần chứng minh, “thoải mái” ghi nhãn
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, hiện nay trong quản lý mặt hàng này còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó có vấn đề ghi nhãn thực phẩm chức năng.
“Ví dụ như có loại thực phẩm chức năng được ghi nhãn là vitamin C 500 trong khi đó thành phần vitamin C chỉ là 5gr. Con số 500 được viết to, rõ ràng dễ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là loại vitamin C 500gr”, ông Trung dẫn chứng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tình trạng “lạm dụng, coi TPCN là thần dược” là do thiếu những bằng chứng khoa học, nghiên cứu, đánh giá về nó.
“Hiện những minh chứng, bằng chứng về mặt khoa học có tính thuyết phục của TPCN còn rất ít, thậm chí có thể nói chưa có công trình nghiên cứu khoa học thực sự đánh giá đúng bản chất TPCN”, Thứ Trưởng Bộ Y tế nói.
Không có chế tài mạnh khi quảng cáo sai
Đặc biệt phải nói đến tình trạng quảng cáo vượt quá công dụng của sản phẩm. Trên 50% sai phạm về TPCN liên quan đến quảng cáo. Sai phạm chủ yếu là ở quảng cáo trên các báo đài địa phương
Doanh nghiệp nói quá công dụng của sản phẩm, quảng cáo không đúng với nội dung được cho phép, sử dụng những hình ảnh, thông điệp gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng. “Có lần cố ngồi xem quảng cáo một loại sản phẩm, không phân biệt được đó là thuốc hay thực phẩm chức năng”, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng BYT, chia sẻ.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn biết và hiểu rằng chính tình trạng quảng cáo này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm là thuốc điều trị chữa bệnh. Nhưng theo quy định của phát luật, những vi phạm này không bị rút số đăng kí, nên Cục chỉ có thể gửi công văn đến cơ quan báo chí quảng cáo, yêu cầu doanh nghiệp thu hồi từ rơi, nội dung quảng cáo.
Không thể quản giá cả
Ngoài khó khăn trong việc quản lý quảng cáo TPCN, một vấn đề cũng khiến nhà quản lý và người dân đau đầu, đó là giá thành các loại TPCN rất đắt, có những loại dù quảng cáo có tác dụng “hỗ trợ điều trị” chứ không phải thuốc điều trị nhưng giá bán cao hơn cả giá thuốc.
“Về giá bán, nếu chúng ta coi là TPCN thuốc thì lập tức Bộ Y tế sẽ quản lý theo giá thuốc. Nhưng đây là thực phẩm và thực phẩm thì không do Bộ Y tế quản lý giá. Không thể đòi hỏi Bộ Y tế quản lý giá thực phẩm chức năng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Và cuối cùng, mặc dù luật hiện hành được dựa trên tiêu chuẩn của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn hoá thực phẩm Quốc tế) nhưng chưa có một chế tài quản lý nào thực sự hữu hiệu.
Theo dantri