Dị ứng thuốc – Lưu ý khi sự dụng

Cấu tạo cơ thể con người về cơ bản là giống nhau, nhưng trong mỗi con người cụ thể khi chịu tác động từ bên ngoài như ảnh hưởng của thời tiết, đáp ứng tác động của thuốc lại không giống nhau. Đặc biệt, đối với những người có cơ địa dị ứng khi dùng thuốc phải hết sức thận trọng, vì dị ứng thuốc có thể dẫn đến hậu quả nặng nề.

Trong bệnh án theo dõi điều trị cho người bệnh tại các cơ sở y tế đều có mục hỏi về tiền sử của người bệnh, trong đó có mục hỏi người bệnh có dị ứng với thuốc gì không? Có dị ứng thức ăn gì không? Và tiền sử bệnh tật của gia đình (trong gia đình có ai mắc bệnh gì, có ai bị dị ứng gì không?) để thầy thuốc biết và hạn chế tối đa những phản ứng bất lợi của thuốc xảy ra đối với người bệnh khi chỉ định dùng thuốc. Nhưng hầu hết chúng ta đều không nhớ là ta có bị dị ứng gì không kể cả thức ăn, khi thầy thuốc hỏi đều trả lời là không có dị ứng gì, điều này rất bất lợi cho chính chúng ta khi sử dụng thuốc.
Một bệnh nhân dị ứng thuốc.
Để hạn chế tối đa những phản ứng bất lợi của thuốc, bản thân mỗi người cần biết và nhớ là cơ thể chúng ta thường gặp những bất thường như nổi mẩn, ngứa, sổ mũi… khi thay đổi thời tiết hay tiếp xúc với bụi nhà, phấn hoa hoặc một loại thuốc nào đó hay sau khi ăn loại thức ăn gì, đã từng dùng thuốc gì gây dị ứng để thông báo với thầy thuốc khi cần dùng thuốc. Cụ thể, cần nhớ một số điểm chính sau:

– Khi được kê đơn dùng thuốc, khi mua thuốc, dùng thuốc xong hãy giữ lại đơn cho lần khám sau, đừng vội bỏ vỏ, hộp thuốc đi ngay phòng khi có phản ứng thuốc thầy thuốc căn cứ vào đó để xem xét.

– Đã dùng những thuốc gì? Thời gian dùng gần nhất? Phản ứng ra sao?

– Tất cả các yếu tố như thời tiết, thức ăn, bụi nhà… gây cho cơ thể mình những bất thường.

Những yếu tố này giúp cho thầy thuốc trước khi chỉ định thuốc cho người bệnh và hạn chế được những phản ứng bất lợi của thuốc gây ra đối với người bệnh.

Đồng thời, người nhà cũng cần biết được người thân của mình dễ dị ứng với tác nhân gì, có dị ứng với thuốc gì không để khi cần phải thông báo với thầy thuốc trước khi kê đơn cho người thân của mình.

Cùng với nhân viên y tế, người bệnh và gia đình cũng rất cần thiết theo dõi sau khi dùng thuốc, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường phải báo ngay cho nhân viên y tế biết để xử trí kịp thời.

ThS. Bùi Văn Đạm (Khoa Dược – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương)