“Mẹo” ứng phó với thực phẩm bẩn

Thực trạng ngâm, tẩm hóa chất vào thực phẩm, thực phẩm ôi thiu được đưa lên bàn ăn tràn lan đang làm nhiều người lo lắng…

 

Sau đây là một số mẹo để đối phó với vấn nạn thực phẩm bẩn đang ngày càng phổ biến trong đời sống của người thành thị :

Tự chế biến nhiều thực phẩm, gia vị

Chị Lê Thị Hoa Sơn (37 tuổi, Q.7, TP.HCM)

Lúc rộ lên vụ nước tương có chứa chất gây ung thư, cả nhà tôi chuyển sang ăn muối mè, muối đậu hoặc nước mắm chay. Khi có thời gian đi chợ, tôi có thói quen đi rất sớm và chỉ mua ở những mối quen. Tôi không chọn những thứ quá bắt mắt, trắng trẻo vì sợ ngâm thuốc tẩy trắng mà chỉ cần rờ vào, nhìn thấy nó tươi là được. Tôi cũng không bao giờ mua cải chua, cà pháo, củ kiệu, dưa hành… ngoài chợ, nếu muốn ăn thì mua về làm.

Mắm tôm không mua lẻ ngoài chợ vì quy trình làm mắm ở VN không ai kiểm soát. Tôi đi siêu thị mua mắm đóng chai của những thương hiệu có uy tín cho an tâm hơn. Trước đây tôi còn mua thuốc tím rửa rau, nhưng sau chuyển qua rửa bằng nước muối vì cuối cùng thuốc tím cũng là hóa chất.

Trong khâu chế biến thức ăn, tôi cũng rất cẩn thận. Thịt heo rửa sạch với nước muối, luộc trần qua rồi giội nước sạch sau đó thay nước mới luộc tiếp. Phải mở nắp để các chất tăng trưởng trong thịt heo bốc hơi. Xương heo hầm cũng phải rửa bằng nước muối cho sát khuẩn rồi cho vào nồi luộc. Khi nước sôi sủi bọt là đổ ra rửa rồi mới hầm bằng nước mới.

Bớt ăn “cơm hàng, cháo chợ”

Chị Nguyễn Ngọc Anh Duyên (28 tuổi, TP.HCM)

Thời gian bùng lên dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, cả nhà tôi chuyển sang ăn chay nhiều hơn, tăng cường những món rau củ quả, đậu hũ. Cả nhà ít khi ăn cá vì có thể cá bị ướp bằng phân urê. Hai vợ chồng tôi còn đọc nhiều sách báo tìm hiểu một số thực phẩm có hại. Cả nhà cũng thay đổi hẳn thói quen uống nước mát bán ven đường, tôi thường mua mía lau, lá sâm, lá dứa về rửa sạch, nấu nước uống, bỏ vô chai mang đi làm.

Chúng tôi phân loại các vật dụng rất kỹ, thớt xắt đồ ăn thịt sống, đồ ăn chín hay trái cây là ba loại khác nhau. Riêng thớt cắt trái cây phải là thớt thủy tinh. Thau rửa thịt cá và trái cây; khăn lau bàn, lau tay, lau bếp cũng khác nhau. Nhà bếp có thùng rác có chân đạp để tay không bao giờ chạm vào thùng rác khi đang nấu nướng.

Một điều rất đặc biệt là gia đình tôi hạn chế tối đa ăn ở ngoài. Vợ chồng tôi và cô em chồng luôn về nhà ăn cơm trưa cùng nhau. Trước khi đi làm, tôi tranh thủ ngâm rau với nước muối rồi để ráo, cho vào túi nilông bỏ tủ lạnh. Các loại đồ sống thì đã sơ chế từ tối hôm trước cất vào ngăn đá nên nấu rất nhanh. Bữa ăn tối mọi người luôn có mặt đầy đủ. Tôi cũng cố gắng học nấu thật ngon những món cả nhà thích ăn như phở, bún riêu, bún bò, bún mắm, nem nướng… để không phải ra ăn ngoài quán. Ăn ở ngoài rất mất vệ sinh. Tự chế biến, nấu nướng là cách bảo vệ sức khỏe của mình tốt nhất.

Theo Tuổi trẻ