Cảnh báo gian lận trong sản xuất nước trái cây

Thông tin trên tạp chí Daily Mail của Anh mấy ngày gần đây làm người tiêu dùng nước Anh, nhất là những bà mẹ có con nhỏ bàng hoàng vì chất lượng nước trái cây đóng hộp, thức uống mà các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ nhỏ dùng hàng ngày. Nhưng thực chất trẻ em ở đất nước này lại được sử dụng các sản phẩm nước hoa quả chỉ chứa khoảng 5% trái cây hay thậm chí là không có một chút trái cây nào…

Những gì có trong nước trái cây?

Cuộc điều tra do The Children’s Food Campaign tiến hành cho thấy, trong nước ép trái cây mang nhãn hiệu Ribena và Still Vimto, có đến 90% là chứa các loại hóa chất và vitamin nhân tạo, song chỉ một lượng rất nhỏ khoảng 5% là trái cây và nguy hiểm hơn là các loại nước này được bổ sung rất nhiều đường. Trong nước uống trái cây mâm xôi Vimto, chỉ có 0,1% là trái cây, tương đương với 10 giọt nước trái cây trong một chai 500ml. Hay như nhãn hiệu Fruit Shoot Hydro, không chứa một tí gì trái cây. Loại Robinsons Fruit Shoot trông như một loại đồ uống làm từ quả dâu có lợi cho sức khỏe nhưng lại chỉ có 10% là từ hoa quả.

Hầu hết, nước trái cây trên thị trường đều được người tiêu dùng tưởng nhầm là tốt cho sức khỏe và thực sự xuất phát từ thiên nhiên. Thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Nếu xem kỹ các thành phần cấu tạo nên nước trái cây sẽ thấy rõ hàm lượng các loại chất có trái cây và có lợi cho sức khỏe tối đa chỉ chiếm vài chục phần trăm, còn lại có vô số các chất có hại khác như tạo màu, điều vị, tạo vị chua, chất ổn định… Mỗi quốc gia đều có quy định hàm lượng những chất này trong các loại thực phẩm ăn uống bởi nó là các phụ gia cần thiết để bảo quản các loại đồ ăn này được lâu hơn và có màu sắc đẹp hơn. Thậm chí, các loại nước trái cây được quảng cáo có cả tép hay thịt của các loại hoa quả thì cũng chưa chắc đã là thật. Theo một nhà sản xuất giấu tên, nó được làm hoàn toàn công nghiệp để đánh lừa vị giác của người tiêu dùng.

Các loại nước hoa quả cực kỳ phong phú trong siêu thị.

Ngành làm ăn béo bở

Ngành công nghiệp nước giải khát ở Anh đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt trong 7 năm trở lại đây. Chỉ riêng năm 2010, Vương quốc Anh đã tiêu thụ tới 14,6 tỷ lít nước trái cây đóng hộp mỗi năm, mang về hàng tỷ USD lợi nhuận. Các nhà sản xuất đã coi thường sức khỏe trẻ em khi bỏ qua tất cả những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đua nhau tăng thị phần. Để đạt được tối đa hiệu suất kinh doanh, các chiến dịch tiếp thị luôn nhằm vào đối tượng là các bậc phụ huynh và những em bé. Đó là những hình ảnh trái cây thơm ngon, bắt mắt bên ngoài trong khi thành phần bên trong của nước trái cây lại ghi quá nhỏ và thường nằm ở phía sau của những lọ nước đó. Họ đã công khai đánh lừa người tiêu dùng rằng, thức uống của mình là “nước trái cây” nhưng thực chất là nước và đường, vitamin nhân tạo và một hàm lượng lớn hydrate carbon, chất này là thủ phạm chính gây ra chứng thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ.

Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra phẫn nộ khi các hình ảnh quảng cáo nước trái cây tươi ngon nhưng bên trong những sản phẩm ấy chỉ toàn đường, hương liệu và chỉ có vài phần trăm là nước trái cây nguyên chất. Hay thậm chí nhiều công ty còn lách luật bằng cách chỉ cho hương liệu có mùi trái cây là nghiễm nhiên nó được dán nhãn mác nước trái cây. Luật pháp ở Anh hiện chưa công bố quy cách ghi nhãn hàng quá như tỷ lệ nước trái cây bao nhiêu thì được gọi là “nước trái cây” nên các công ty sản xuất đã tha hồ lách luật để… “đầu độc” người tiêu dùng.

Hậu quả nhãn tiền

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ em nếu sử dụng quá nhiều nước trái cây có hàm lượng đường cao sẽ dẫn đến tình trạng sâu răng, thừa cân, béo phì. Nếu sử dụng trong thời gian dài và liên tục những loại “nước trái cây”… toàn đường kể trên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, làm tăng đường huyết, tạo cảm giác đầy bụng, đường khi vào cơ thể quá nhiều nếu không chuyển hóa hết sẽ dẫn đến việc tích mỡ. Thêm vào đó, chất hydrat carbon chỉ có tác dụng đốt cháy năng lượng và không có lợi cho não.

Những mặt hàng nước trái cây hiện đang xuất hiện khắp các siêu thị, cửa hàng, thậm chí còn phổ biến trong các chương trình quảng cáo trên tivi. Do vậy, Tổ chức The Children’s Food Campaign đã yêu cầu giới chức Anh cấm quảng cáo thực phẩm có hại cho trẻ em trên các kênh truyền hình trước 9 giờ tối. Hay Ủy ban Thực phẩm Anh còn đề xuất sẽ quy định nghiêm ngặt hơn đối với các sản phẩm thức ăn, đồ uống cho trẻ nhỏ. Như quy định, nếu đồ uống có in hình trái cây ở ngoài sẽ bắt buộc phải có hàm lượng nước trái cây đủ lớn hoặc hoàn toàn là trái cây nguyên chất. Đây sẽ là ràng buộc pháp lý đối với những công ty sản xuất đồ uống chuyên lách luật.

Theo SKDS