Coi chừng ngộ độc với món dưa, cà muối!

Món dưa muối, cà muối tuy là món dân dã, đơn giản nhưng cũng luôn chứa những yếu tố gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

50 người nhập viện vì cà muối

Đầu tháng 5 vừa qua, một vụ ngộ độc cà pháo muối đã xảy ra trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với gần 50 người mắc. Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, TP.Hà Nội cho biết, qua điều tra 46 người thuộc 15 hộ gia đình đã từng ăn cà pháo muối thì có 37 người biểu hiện rối loạn tiêu hóa, trong đó 8 người biểu hiện rõ là ngộ độc thực phẩm. Giám sát điều tra về nguyên nhân qua bữa ăn thì món cà pháo là một trong những món nguy cơ cao nhất có thể dẫn đến ngộ độc. Mẫu thực phẩm, chất nôn của những bệnh nhân này được gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Theo nhận định ban đầu, nhiều khả năng những bệnh nhân bị ngộ độc cà là do yếu tố vi sinh vật gây ra.

Chị H.T.H. (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết, chị cũng đã đôi lần bị đau bụng và buồn nôn sau khi ăn phải món dưa cải bẹ muối “quá chín” ở chợ. Với món cà cũng vậy, chị kể có lần mua bịch cà muối ở chợ về ăn với canh cua đồng, khi háo hức đưa quả cà trắng tinh vào miệng cắn thì quả cà đã mềm nhũn trong miệng và có vị rất đắng. Cả nhà chị ai cũng phải nhả ra vì cả bịch cà quả nào cũng bị như thế. Bực mình đem ra hỏi người bán (vốn đã quen vì quán tạp hóa ở ngay đối diện nhà chị) thì người bán thật thà cho biết do cà đã muối lâu mà chưa bán hết nên có dùng chất bảo quản để cà không bị thối đen!?

Khoái khẩu nhưng nên biết khi nào cần tránh!

Coi chừng ngộ độc với món dưa, cà muối!

Thông thường, món dưa, cà muối được ủ đúng thời gian sẽ có màu vàng và trắng ngà, giòn, không hăng, tươi màu. Rất nhiều người hết sức sai lầm khi có thói quen sử dụng món dưa muối xổi. Để làm món muối xổi, các loại rau, củ chỉ được ủ trong nước muối trong thời gian khoảng 1 – 2 ngày, có khi ăn ngay sau 1 – 2 giờ. Với khoảng thời gian ngắn như thế, dịch dưa muối không đủ mạnh (chưa lên men) để diệt những vi khuẩn gây bệnh. Một số tiểu thương thường kinh doanh loại dưa muối xổi.

Dưa muối được đựng trong thùng nhựa, xô nhựa không hợp vệ sinh. Khi lượng dưa muối vơi đi, họ lại bào và thái các loại rau củ cho vào. Quả thật, nếu sử dụng món dưa muối “tốc hành” như thế này chắc chắn khả năng bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh rất cao. Món dưa muối ủ không đủ thời gian sẽ có vị hăng, cay. Tốt nhất, không nên sử dụng loại dưa muối này.

Lưu ý nữa là món dưa muối, cà muối để khá lâu, xuất hiện nấm mốc trên bề mặt cũng tuyệt đối không sử dụng. nếu quan sát bằng mắt thường, thấy váng hay cặn nổi trên bề mặt, bắm vào dưa, cà thì đừng tiếc rẻ mà nên bỏ đi là vừa. Kỹ thuật làm dưa, cà muối cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm vững. Đối với những người làm món này lần đầu, sự lên men không đạt yêu cầu, lúc này vi khuẩn gây thối lại phát triển mạnh mẽ, vi khuẩn gây bệnh vẫn tồn tại. Nếu gặp phải món dưa muối không đạt được vị chua, có mùi hôi thì tuyệt đối không dùng.

Dụng cụ đựng dưa muối cũng đóng vai trò an toàn cho món ăn này. Tốt nhất dưa muối nên đựng trong lọ bằng sành sứ vì chất liệu này không phản ứng với dịch acid trong dưa muối. Nếu đựng dưa món trong các thùng, xô nhựa thì có thể chất phụ gia trong đồ nhựa sẽ hòa tan vào dịch dưa muối và gây hại cho người sử dụng.

Theo SKĐS