Thuốc trị lỵ

Thời tiết chuyển sang mùa hè, nắng nóng, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh không đảm bảo là những điều kiện hết sức thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bệnh dễ phát thành dịch, diễn biến thường lành tính, tuy nhiên với thể nặng và thể tối độc, nếu điều trị không đúng và không kịp thời dễ dẫn tới tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.

1. Thuốc trị lỵ trực khuẩn

Đây là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa do trực khuẩn lỵ (Shigella) gây nên. Lâm sàng biểu hiện với tình trạng nhiễm độc toàn thân, nhiễm độc thần kinh và viêm đại tràng ở các mức độ khác nhau. Bệnh dễ phát thành dịch, diễn biến thường lành tính, tuy nhiên, với thể nặng và thể tối độc, nếu điều trị không đúng và không kịp thời dễ dẫn tới tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.

Hình ảnh lỵ trực khuẩn qua kính hiển vi.

Bệnh lây bằng đường tiêu hóa thông qua nguồn nước, thực phẩm nhiễm mầm bệnh hoặc qua tay, chân. Ruồi, nhặng là các trung gian truyền bệnh đóng vai trò quan trọng.

Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu lỵ trực khuẩn cấp xảy ra ở trẻ em, phải cho trẻ uống bù nước ngay vì ở trẻ em, thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy, sốt cao rất dễ bị mất nước, điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải.

Hiện nay hay sử dụng và hiệu quả nhất là nhóm quinolon. Hiệu quả chữa bệnh cao, rút ngắn được khoảng một nửa số ngày dùng thuốc so với dùng nhóm thuốc cũ. Tuy nhiên, cần chú ý acid nalidixic không được sử dụng cho người mang thai, thời kỳ cho con bú, trẻ em dưới 3 tháng tuổi, bệnh nhân suy thận, rối loạn tạo máu, động kinh, tăng áp lực sọ não. Các quinolon thế hệ thứ 2 không được dùng cho người mẫn cảm với thuốc, người mang thai, thời kỳ cho con bú và trẻ em dưới 16 tuổi

Thuốc chữa lỵ có 3 nhóm:

Thuốc kìm hãm vi khuẩn gây bệnh:

– Nhóm thuốc cũ (bactrim, tetracyclin, clorocid): Nhóm này đã bị Shigella kháng rất cao (bactrim: 81%, tetracyclin: 91,2% clorocid: 93,4%), hiệu quả chữa bệnh kém. Nhóm có một số tính độc: bactrim gây bí đái, hại thận; tetracyclin làm hỏng men răng trẻ dưới 12 tuổi ; clorocid gây hại tuỷ xương làm thiếu máu… Mặc dù thuốc rất sẵn nhưng hiện nay ít được dùng.

– Nhóm thuốc mới (acid nalidixic, ciprofloxacin, ofloxacin): Hiệu quả chữa bệnh cao, rút ngắn được khoảng một nửa số ngày dùng thuốc (so với dùng nhóm thuốc cũ). Nay do ta bào chế được, giá thành không còn cao, tuyến y tế cơ sở có bác sĩ (hoặc y sĩ) hướng dẫn nên việc dùng thuận tiện và phổ biến hơn trước.

Chú ý: Không dùng acid nalidixic cho người có thai ở 3 tháng đầu thai kỳ, không dùng ciprofloxacin cho trẻ dưới 16 tuổi (vì thuốc gây hại các khớp xương chịu lực), không dùng cho người có thai, cho con bú (vì chưa có đầy đủ thông tin về sự bài tiết thuốc qua sữa và tính độc với thai). Không nên dùng acid nalidixic, ciprofloxacin cho người suy thận, suy gan, người động kinh. Không dùng cùng lúc các thuốc này với thuốc chống đông máu, thuốc chống động kinh (vì sẽ gây các tương tác bất lợi).

– Nhóm chiết xuất từ dược liệu: Từ dây vàng đắng chiết ra beberin, đóng viên 50mg. Liều cho người lớn: mỗi lần 4 – 5 viên hoặc đến 10 viên, mỗi ngày 2 lần. Nếu uống liều cao, thuốc gây mỏi mệt. Thuốc rẻ tiền, ít độc nhưng có hiệu quả.

Chỉ dùng kháng sinh khi có triệu chứng (tiêu chảy) và ở thể nặng, ngừng thuốc khi không còn triệu chứng; không cần dùng kháng sinh khi không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.

Thuốc bù muối – nước: Nếu mất muối – nước ít, còn uống được nên cho uống dung dịch oresol. Nếu mất muối – nước nhiều, không uống được, cho truyền dung dịch ringer lactat hay dung dich natriclorid đẳng trương. Liều tuỳ theo độ mất nước.

Thuốc hỗ trợ khác: Nếu người bệnh bị đau bụng nhiều do co thắt có thể dùng viên belladon hay tiện hơn là dùng ống atropin (loại tiêm) để uống. Tuy nhiên, thuốc có thể làm khô miệng. Khi hết đau bụng nên ngừng thuốc.

2. Thuốc trị lỵ amip

Lỵ amip do đơn bào amip Entamoeba history amoebidae gây ra. Amip ký sinh ở người, chó, mèo, lợn, chuột. Ở người: khu trú ở lớp dưới niêm mạc đại tràng hoặc theo đường máu, bạch huyết đến gan, phổi, lách, thận, mào, tinh hoàn, cổ tử cung… Nếu điều kiện thuận lợi, phát triển thành thể gây bệnh (histolytica), nếu không thuận lợi, chuyển sang thể không gây bệnh (minuta). Hai thể này có thể chuyển ngược thành dạng bào nang (kén) thải ra ngoài. Dạng bào nang có sức chịu đựng lớn, sống được trong nước 30 ngày, nhiệt độ từ 0-20oC trong 15-17 ngày, chịu được môi trường acid của dạ dày. Chính dạng bào nang làm phát tán bệnh, lây trực tiếp từ người sang người hoặc gián tiếp qua ăn uống. Có thể dùng các thuốc sau:

kiết lỵ, đi vệ sinh - tin sức khỏeNhóm diệt thể gây bệnh: Thể này không chỉ có ở ruột mà còn có thể có ở gan, phổi, thận, lách, não… Dùng thuốc tiêm dưới da emetin chlohydrid. Mỗi đợt dùng 5-7  ngày, cao nhất là 10 ngày. Nếu cần, có thể lặp lại đợt khác nhưng vì thuốc có tính tích luỹ (gây độc cho tim, gan, thận) nên nếu dùng đợt sau phải cách đợt trước đó ít nhất 45 ngày. Thuốc gây viêm (nặng hơn có thể liệt) dây thần kinh vận động, gây đau mỏi cơ, khi dùng phải phối hợp với thuốc tiêm vitamin B1 và strichnin. Thuốc cũng gây hạ huyết áp, rối loạn tim mạch, mệt, khi dùng phải nằm nghỉ. Không nên dùng cho người mà chức năng chuyển hóa thải trừ của gan, thận kém (tuổi già, hay bị suy gan, suy thận), nếu dùng phải giảm liều. Do thuốc gây nôn, chỉ dùng dạng tiêm. Hiện có thuốc dihydroemetin clohydrid ít độc hơn, mạnh hơn, vì thuốc không gây nôn nên có thể dùng đường tiêm hay đường uống (viên bọc đường).

Nhóm diệt thể không gây bệnh: Thể này thường chuyển sang dạng bào nang (kén).  Dùng thuốc diệt dạng này để bệnh khỏi tái phát. Các thuốc hay dùng:

+ Mixiode (chiniofon, yatren, an lỵ sinh): Dùng dạng uống hay thụt. Mỗi đợt dùng 7 ngày. Sau đó có thể dùng tiếp 1-2 đợt nữa, các đợt cách nhau 7 ngày. Thuốc không gây độc ở liều điều trị nhưng có thể gây đi lỏng (có thể phối hợp với rượu beladona, rượu opi để tránh tác dụng phụ này hoặc có thể uống viên opibenzoic hay uống ống thuốc tiêm atropin.

+ Direxiode: Có thể dùng liên tục 20 ngày liền. Thuốc không gây đi lỏng, không độc ở liều điều trị nhưng có thể ngứa do dị ứng với iod.

Nhóm diệt cả hai thể trên:

+ Metronidazol (flagyl, klion): Dùng rộng rãi cho mọi thể, dưới dạng uống. Mỗi đợt dùng 5-7 ngày. Có thể dùng thêm 1-2 đợt khác nhưng mỗi đợt cách nhau 15 ngày. Thuốc không gây tích luỹ, không gây nôn (trừ khi người bệnh uống rượu), không độc như emetinclohydrid nên không phải theo dõi nghiêm ngặt, có thể dùng tại nhà.

+ Tenidazol: Tác dụng ngang với metronidazol nhưng giá thành đắt hơn. Dùng dạng uống. Mỗi đợt dùng từ 5-10 ngày.

Cần chữa sớm ở giai đoạn cấp. Nếu chữa muộn ở giai đoạn mạn, sẽ khó khăn hơn. Ở giai đoạn cấp (có triệu chứng), dùng thuốc diệt thể gây bệnh, ở giai đoạn mạn (không có triệu chứng) dùng thuốc diệt thể không gây bệnh. Trong khi chữa, amip  thường chuyển từ thể này sang thể khác, xen kẽ. Cần chữa nhiều đợt để tránh bệnh tái phát.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn