Thuốc có chữa được đái dầm?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đái dầm như do cách uống nước và đi tiểu không phù hợp, do bị bệnh táo bón đường ruột hay các bệnh liên quan (tình trạng cột sống không đóng kín, giảm trương lực cơ, giảm nhạy cảm của chi dưới liên quan đến chứng bàng quang thần kinh…).

Từ những nguyên nhân này, người ta đề ra ba biện pháp điều trị đái dầm bao gồm: liệu pháp hành vi, liệu pháp báo thức và liệu pháp dùng thuốc.

– Liệu pháp báo thức: Thức trẻ em dậy đúng ngay vào lúc đái dầm. Làm như vậy là ức chế phản xạ tiểu tiện lúc thức giấc, sau cùng là ức chế phản xạ tiểu tiện và sẽ biến đái dầm thành một lần đi tiểu đêm chủ động. Tuy cách làm này không làm thay đổi được dung tích bàng quang nhưng có tới hơn 30% trẻ thành công trong việc chuyển đái dầm thành đi tiểu đêm.

Nguồn Internet)

– Liệu pháp thay đổi hành vi: Thường bao gồm thay đổi thói quen uống nước để điều hòa việc tiểu suốt cả ngày, cải thiện chế độ ăn nhằm chống táo bón (dùng loại thức ăn làm mềm phân). Động viên trẻ khi giảm được số lần đái dầm (kể cả thưởng phù hợp với lứa tuổi). Kinh nghiệm cho thấy, liệu pháp này thu được thành công khoảng 30-50%.

Tuy hai liệu pháp này có thành công đáng kể, nhưng thầy thuốc khuyên chỉ nên coi là liệu pháp kết hợp và vẫn cần thiết dùng liệu pháp dùng thuốc. Các thuốc thường dùng trong điều trị đái dầm như:

Desmopressin: Được sử dụng trong điều trị đái dầm. So sánh với dùng giả dược thì dùng desmopressin làm giảm được số lần đái dầm hơn 75%, nhưng thuốc lại có tác dụng phụ nghiêm trọng là làm giảm Na(+) huyết.

Kháng cholinergic (oxybutynin): Có tác dụng chống co thắt bàng quang, tăng dung tích chức năng bàng quang, điều chỉnh rối loạn tiểu. Thuốc có thể làm khô miệng, rối loạn thị giác, làm chức năng vận chuyển của ruột suy giảm gây ảo giác, ảo thính, làm tim đập nhanh và gây ban da. Có thể dùng cho trẻ  5 tuổi trở lên với mục đích cải thiện dung tích bàng quang và chức năng điều chỉnh rối loạn tiểu. Không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có đái dầm ban đêm, trương lực ruột kém, nhược cơ năng, viêm phế quản mạn.

Thuốc chống trầm cảm (imipramin): Có tác dụng kháng tiết cholin ở trung ương và ngoại vi. Khi dùng thuốc này sẽ giảm đái dầm khoảng 50-75% và có 20% hết hẳn đái dầm. Tuy nhiên, vì đây là thuốc chống trầm cảm nên có tác dụng phụ là làm thay đổi khí sắc, rối loạn giấc ngủ, khi dùng quá liều có thể tử vong. Do vậy chỉ dùng trong đái dầm sau  khi dùng các liệu pháp các thuốc khác không đáp ứng. Không dùng trong trường hợp bị glaucoma góc đóng, khi đang dùng hay nghỉ dùng IMAO chưa đủ 14 ngày, khi có nguy cơ ứ nước tiểu do rối loạn tiết niệu, khi có bệnh tim mạch. Tùy theo nguyên nhân gây đái dầm mà thầy thuốc chọn loại thích hợp. Cần có ý kiến của thầy thuốc, không tự ý mua dùng, vì các thuốc này đều có tác dụng phụ trong đó có loại có tác dụng  phụ nguy hiểm.

DS.Bùi Văn Uy

Nguồn: suckhoedoisong.vn