Bệnh xốp xơ tai

Xốp xơ tai là bệnh lý mà xương bàn đạp bị xơ cứng và dính vào cửa sổ bầu dục của tai trong, khiến âm thanh truyền vào bị chặn lại. Tùy mức độ xơ cứng ảnh hưởng đến sự dẫn truyền âm thanh vào tai trong làm cho sức nghe bị giảm nhiều hay ít.

Với kỹ thuật tiên tiến hiện nay, phẫu thuật mang lại kết quả rất khả quan đem lại chất lượng sống cải thiện tốt cho người bệnh xốp xơ tai.

Bệnh xảy ra như thế nào?

Đây là bệnh lý mang tính chất di truyền nhiễm sắc thể, cách phát triển và biểu hiện triệu chứng rất đa dạng. Đặc trưng tiến triển của bệnh là quá trình tiêu hủy xương. Mô xương trở nên xốp rồi dần dần sự lắng đọng bù đắp chất xương đã mất đi làm cho xương trở nên xơ cứng. Quá trình này trải qua hai giai đoạn, giai đoạn xốp xương và giai đoạn xơ cứng. Giai đoạn xốp xương ta còn gọi là giai đoạn sớm, đặc trưng bởi sự tiêu xương do hấp thụ chất xương với sự tham gia của nhiều loại tế bào như histocytes, osteoblastes, osteocytes gây ra xương bị tiêu hủy. Trong khi xương bị tiêu hủy chất tạo xương cơ bản được đưa đến để bù đắp, thay thế phần xương bị tiêu hủy và hình thành các mảng xương xốp. Giai đoạn xơ cứng ta còn gọi là giai đoạn muộn, lúc này xuất hiện các tế bào osteoclasts thay thế dần các tế bào các tế bào osteobastes. Mô xương đậm đặc được lấp kín vào các chỗ xương bị tiêu hủy trước đây, xương trở nên xơ cứng. Quá trình xốp xương xảy ra ở cả hai tai, tuy nhiên có khi chỉ có một tai nghe kém. Bệnh xuất hiện từ từ và có xu hướng tăng dần. Bệnh lý tổn thương tập trung ở tai giữa ở chuỗi xương, xương búa, xương đe, xương bàn đạp và ở tai trong ốc tai.

Bệnh gặp chủ yếu ở người da trắng, tần suất chiếm 8 – 10%. Ở người da màu, châu Á tần suất chiếm 1%, rất hiếm ở người Phi châu. Bệnh lý tập trung chủ yếu là nữ, mang tính chất di truyền. Lứa tuổi mắc bệnh 15 – 35 tuổi, có khi gặp trẻ nhỏ và người trên 50 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh cho đến hiện nay chưa được rõ.

Các dấu hiệu xác định

Dấu hiệu chủ yếu mà người bệnh đến với thầy thuốc là nghe kém và ù tai. Nghe kém tăng dần và ù tai có nhiều mức độ khác nhau, nhưng có xu hướng nặng lên theo mức độ nghe kém. Tỉ lệ chiếm 80% trường hợp điếc dẫn truyền, tập trung điếc hỗn hợp. Có dấu hiệu Paracusis Willissi, triệu chứng bàng thính xảy ra trong môi trường ồn ào như ở chợ, chỗ đông người, đi tàu xe, lúc đó người bệnh nghe rõ hơn, nghe hiểu tiếng nói rõ hơn, dấu hiệu này chỉ gặp khi XXT gây nghe kém cả hai tai. Ngoài ra còn gặp các triệu chứng khác chóng mặt nhẹ, rối loạn thăng bằng thoáng qua do rối loạn tiền đình. Không có biểu hiện đau tai, chảy dịch tai. Khám tai: màng nhĩ bình thường, có thể thấy màng nhĩ mỏng, trong bóng từng đám, không có ráy tai.

Khi đo sức nghe đơn giản và đo sức nghe đơn âm, kết quả cho thấy, có điếc dẫn truyền, mất sức nghe đường khí. Chụp CT- Scanner kết quả thấy sự lắng đọng chất xương mới ở vùng cửa sổ các ổ xơ xương trong bao xương mê đạo và ốc tai.

Cách điều trị

Mục tiêu điều trị trong bệnh lý xốp xơ tai ổn định tâm lý và cải thiện sức nghe cho người bệnh. Đa số trường hợp được phẫu thuật vùng cửa sổ bầu dục như lay động xương bàn đạp, lót mảnh trung gian giữa đế bàn đạp và cửa sổ bầu dục, thay thế xương bàn đạp mang lại kết quả rất khả quan, cải thiện nghe một cách rõ rệt, người bệnh hài lòng.

Biện pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật

Về điều trị, phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng bệnh nhân mà có cách giải quyết khác nhau. Nhiều bệnh nhân có triệu chứng ù tai, nghe kém đi (tuy nhiên khi vào chỗ đông người hoặc nơi có tiếng ồn vẫn có cảm giác nghe rõ nên cho rằng sức nghe vẫn còn tốt), cho đến khi bệnh nặng mới điều trị. Điều này khiến việc chữa trị rất khó khăn. Cho đến nay việc điều trị bằng nội khoa thường mang lại kết quả rất hạn chế, kể cả việc phối hợp các phương pháp y học cổ truyền như thuốc nam, thuốc bắc, châm cứu…

Theo các công trình nghiên cứu thì phẫu thuật là phương pháp đạt kết quả cao nhất (85-95%). Có những trường hợp sau khi mổ một thời gian, sức nghe lại tiếp tục giảm có thể do quá trình xốp xơ lại tái phát. Khi đó cần đưa bệnh nhân khám lại, thầy thuốc chuyên khoa sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định có còn chỉ định mổ lại nữa không. Nhiều trường hợp sau mổ lại, sức nghe lại tăng dần.

Khi có triệu chứng của bệnh cần nhanh chóng đi khám để cần thiết phải mổ kịp thời, không nên chờ điếc nặng rồi mới mổ vì lúc đó, kết quả bị hạn chế, thậm chí không mổ được nữa.

Đeo máy thính lực, áp dụng đối với các trường hợp bệnh tích ở ốc tai thuộc ống tai trong, phẫu thuật không kết quả.

BS. NGUYỄN THUẬN THÀNH

Nguồn:suckhoedoisong.vn