‘Lá chắn’ cho xoang khi trái gió trở trời
Thời tiết thay đổi khi giao mùa là thời điểm đáng lo ngại của những người bị bệnh viêm xoang. Gần 20% dân số mắc viêm xoang vẫn phải đối mặt với vô số triệu chứng khó chịu, nguy cơ tái phát bệnh cũng luôn ở mức đáng báo động.
Thời tiết ảnh hưởng đến viêm xoang như thế nào?
Viêm xoang thực chất là do ứ đọng dịch nhầy chứa vi khuẩn hoặc nấm gây tắc lỗ thông xoang dẫn đến viêm nhiễm, tạo mủ trong các hốc xoang với các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, đau nhức vùng má. Bệnh khó chữa dứt điểm và thường tái đi tái lại khi gặp những điều kiện thuận lợi như môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi….
Theo các bác sỹ chuyên khoa, thời tiết là yếu tố hàng đầu khiến bệnh xoang tái phát nhanh chóng và dễ dàng nhất. Người bệnh thường có những đợt viêm xoang cấp tính khi “trái nắng trở trời” là vì vậy.
Mùa mưa bão là mùa của những thay đổi khí hậu đặc trưng như nắng mưa đột ngột, nhiệt độ tăng giảm thất thường, độ ẩm không khí cũng biến đổi liên lục. Khi phải tiếp xúc với những biến đổi khí hậu như thế này, lớp niêm mạc mũi xoang sẽ dễ bị kích thích gây viêm long, phù nề, tăng tiết dịch tuyến nhầy, trong khi đó lông chuyển kém hoạt động sẽ không đẩy được hết các chất nhầy, bụi bặm và vi khuẩn ra ngoài.
Việc ứ đọng chất nhầy trong xoang mũi và tình trạng phù nề niêm mạc là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển với những biểu hiện đầu tiên là hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chảy dịch trong…
Đối với những người có tiền sử bị viêm xoang, những biểu hiện trên rất dễ gây ra một đợt cấp tính nếu không được điều trị dứt điểm và kịp thời.
Phòng viêm xoang lúc trở trời
Viêm làm cho niêm mạc mũi xoang phù nề sung huyết, nên khi hít mạnh, đưa vào một khối lượng lớn khí lạnh tạo áp lực lên bề mặt niêm mạc sung huyết phù nề, đồng thời mũi xoang không kịp làm ấm lượng khí này, nên sẽ kích thích niêm mạc mũi xoang gây đau nhức trong mũi và đau lên đầu.
Do đó bạn phải giữ ấm mũi bằng cách đeo khẩu trang, tránh lạnh. Tập thể dục hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể và đường hô hấp.
Khi có các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi…, cần kịp thời điều trị tránh để đến khi dịch mũi đặc, xịt xoạt mũi lâu ngày…dễ ảnh hưởng tới niêm mạch mũi hoặc biến chuyển thành viêm xoang mũi cấp tính. Để an toàn và hiệu quả, người bệnh nên dùng các loại thuốc xịt mũi có tính kháng viêm, chống phù nề, co mạch, giảm tiết dịch mũi và thông mũi được bào chế từ thảo dược để trị dứt điểm các triệu chứng trên.
Do hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên thông với nhau nên người bệnh cần vệ sinh răng miệng và họng hàng ngày bằng cách đánh răng trước khi đi ngủ và sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối sinh lý nhằm tránh bị viêm họng và sâu răng ảnh hưởng tới xoang mũi.
Ngoài ra, người bệnh cần vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày, đeo khẩu trang khi đi đường, uống nhiều nước, nên tránh ăn các đồ cay, nóng, nhiều dầu mỡ và các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê..
Theo vietnamnet.vn