1g thịt lợn sống chứa gần 900 ấu trùng giun xoắn

Xét nghiệm trong một vụ dịch ở Yên Bái cho thấy, trong 1g thịt lợn chứa 879 ấu trùng giun xoắn và một con lợn khác có 70 ấu trùng giun xoắn.

Số thịt lợn trên sau khi chế biến thành nem đã gây ra một vụ dịch giun xoắn tại Yên Bái khiến 26 người mắc, 4 người tử vong. Đây được coi là một trong những vụ nhiễm giun xoắn quy mô lớn đầu tiên tại VN. Sau đó, hàng loạt vụ nhiễm giun xoắn do ăn thịt lợn sống cũng đã diễn ra, chủ yếu do ăn thịt lợn chưa nấu chín.


Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, ĐH Y Hà Nội, bệnh giun xoắn phân bố rộng khắp trên thế giới, trong đó có VN với các vụ dịch điển hình như vụ dịch ở Yên Bái khiến 26 người mắc, 4 người tử vong. Trong một đám cưới tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên hồi tháng 11.2001 đã có 22 người bị nhiễm giun xoắn do ăn thịt lợn sống được lấy từ một con lợn được nuôi tại địa phương khiến 2 người tử vong. Tại một đám tang tháng 9.2004 cũng tại địa phương này đã có 20 người ăn món lạp đều bị nhiễm giun xoắn.

Tiếp đó, tháng 6.2008, tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cũng trong bữa tiệc ăn thịt lợn với món lạp đã có 22 người mắc bệnh, 2 người tử vong. Các xét nghiệm cho thấy, lợn ở đây nhiễm ấu trùng giun xoắn.

Gần đây nhất là tháng 2.2012, tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa xảy ra vụ 27 người bị nhiễm giun xoắn do ăn món thịt lợn Mường chưa được nấu chín. Trong số này đã có 6 bệnh nhân được đưa về BV Hà Nội, kết quả xét nghiệm đều dương tính với giun xoắn, có bệnh nhân sinh thiết có ấu trùng giun xoắn trong cơ. Với ổ dịch này, hiện các chuyên gia dịch tễ đang đến hiện trường giám sát và phối hợp với địa phương xử trí.

Cũng theo TS. Đề, ấu trùng giun xoắn ký sinh trong cơ gây co rút và nhiễm độc, đa số các bệnh nhân đồng loạt xuất hiện triệu chứng sau 10 ngày như sốt, đau cơ, đi lại khó khăn, nuốt khó, phù nề, sụt cân, ngứa, nói ngọng, đau bụng, khó thở, ỉa chảy, đi ngoài ra máu. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm 31-50 tuổi và bệnh nhân hầu hết là nam giới.

Cẩn trọng với các món nem từ thịt lợn chưa nấu chín. Ảnh minh họa.

Hầu hết các vụ dịch giun xoắn thường xảy ra do ăn thịt sống. Khi người ăn phải thịt bị nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa được nấu chín, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén tại dạ dày, sau 1-2 giờ, ấu trùng di chuyển tới ruột non. Tại đây sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Vào ngày thứ 4-5 và kéo dài từ 10-30 ngày, giun cái đẻ ấu trùng trong các bạch mạch. Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim phải, phổi rồi tới tim trái và tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi… phát triển thành kén và có khả năng gây nhiễm.

Khi nhiễm giun xoắn, bệnh nhân thường có sốt cao, nôn, rối loạn tiêu hóa, đau cơ, phù mặt nhất là ở hai mi mắt … Nặng có thể xảy ra một số biến chứng vào tuần thứ 3 – 4 như viêm cơ, viêm phổi, viêm não làm bệnh nhân có thể tử vong. Tùy theo mức độ nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng 6 – 30%, có trường hợp tử vong trong vòng 1 – 2 tuần. Bệnh nhân được điều trị qua khỏi vẫn còn thấy đau các cơ và bứt rứt trong nhiều tháng sau đó.

Cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán

Để phòng bệnh giun xoắn, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nuôi lợn thả rông ngoài rừng, vườn. Không ăn sống các loại thịt, tiết canh, đồ tái chín. Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán… là những động vật được nuôi thả rông, dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường và truyền sang người.

Nếu ăn phải thịt động vật nấu chưa chín mà thấy xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, kèm theo nôn, có khi chỉ có cảm giác buồn nôn, đau các cơ như cơ lưỡi, cơ vận nhãn, cơ ngực… cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Nguồn: Afamily.vn