PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển: “Virus H5N1 đang tồn tại, tính độc lực vẫn cao”

Trước tình hình 2 bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 tử vong đầu năm nay khiến nhiều người lo lắng về tình hình dịch cúm gia cầm đang quay trở lại, PV báo đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về vấn đề này.

PV: Sau hai năm vắng bóng kể từ ca cuối cùng mắc cúm A/H5N1 hồi tháng 3/2010, đến nay lại có 2 bệnh nhân tử vong vì mắc cúm A/H5N1. Người dân hoang mang lo lắng liệu có khả năng bùng phát đợt dịch cúm A/H5N1 thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển.
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Tôi lo ngại virus H5N1 vẫn tồn tại trong các đàn vịt dưới dạng lành mang trùng. Tỷ lệ tuy không cao nhưng vẫn có. Kết quả giám sát của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho thấy khoảng 3-5% đàn vịt mang virut, đó là bằng chứng virus H5N1 vẫn có trong môi trường và có thể gây nên những ổ dịch. Hơn nữa, việc tiêm vaccin phòng cúm gia cầm ở các hộ gia đình lại không cao.
Cùng với việc vận chuyển, buôn bán gia cầm không có sự kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ lây lan virut từ các đàn vịt di chuyển từ nơi này qua nơi khác sẽ khiến virut phát tán, lây lan nhanh và tạo thành dịch. Hai trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 vừa qua cũng là do có tiếp xúc trực tiếp và sử dụng thủy cầm bị bệnh. Hiện chưa có kết quả phân tích di truyền học chủng cúm A/H5N1 của các ca mới mắc.
Các số liệu của các ca bệnh trước đây cho thấy về cơ bản giống như virut ở gia cầm, tức là vẫn có độc lực cao, tỷ lệ tử vong lớn. Những thay đổi về cấu trúc di truyền cũng chưa đủ mạnh khiến virut này có thể lây từ người sang người hoặc làm thay đổi độc lực của virut. Tuy nhiên, do tỷ lệ tử vong cao nên vẫn phải cảnh giác (tính từ năm 2003 đến nay là 121 ca mắc, 61 ca tử vong).

PV: Hai trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1 vừa rồi đều là thanh niên, đối tượng có sức khỏe và sức đề kháng tốt hơn người bình thường. Tại sao lại như vậy, thưa ông? Kết quả ngẫu nhiên hay có điều gì khác lạ của chủng cúm A/H5N1 năm nay?

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Trước hết, cần phải lưu ý đây là virut của gia cầm, chưa thích ứng với người. Khả năng nhiễm cúm của từng người cũng phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm và tính cảm nhiễm về di truyền của họ. Ngay trong một gia đình có những người cũng ăn thịt con gia cầm bệnh ấy nhưng không phải ai cũng nhiễm bệnh và tử vong. Thực tế, có nhiều người phơi nhiễm với cúm A/H5N1 nhưng tỷ lệ mắc bệnh rất thấp. Trong những đợt dịch tiêu hủy hàng triệu gia cầm thì người thực hiện trực tiếp tiêu hủy chính là người phơi nhiễm. Đối tượng này rất lớn nhưng chưa ghi nhận ai bị nhiễm bệnh.

 Lấy mẫu bệnh phẩm kiểm tra bệnh nhân nghi nhiễm cúm A.

PV: Tỷ lệ người lành mang virus H5N1 rất ít, cụ thể chiếm bao nhiêu phần trăm, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Với cúm A/H1N1 thì có khoảng 22% người nhiễm virut mà không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, nhưng với H5N1 thì tỷ lệ này rất thấp. Nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, tỷ lệ người nông dân chăn nuôi gia cầm khỏe mạnh nhưng có kháng thể với virut cúm gia cầm là khoảng 0,4%.

PV:Liệu có lo lắng về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người không, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển:  Trên thực tế luôn có sự biến đổi, tương tác, tích hợp giữa các chủng virut cúm. Các đại dịch thường xảy ra từ những sự kết hợp giữa virut cúm ở người, ở lợn, ở gia cầm gây ra thành chủng virut cúm mới. Cho đến nay, virus H5N1 ở người vẫn giống như ở gia cầm, chưa có biến đổi đáng kể để có thể làm thay đổi độc lực cũng như khả năng lây truyền bệnh. Cơ chế gây bệnh và lan truyền của cúm gia cầm cũng chưa có gì thay đổi. Bệnh chưa có khả năng lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác và giám sát chặt chẽ sự biến đổi và xuất hiện của chủng virut mới để có đáp ứng kịp thời.

Virus cúm A/H5N1 xâm nhập vào cơ thể người.

PV: Ông có khuyến cáo gì trước nguy cơ cúm A/H5N1 quay trở lại?

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Trước hết, phải đảm bảo an toàn chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại; khi phát hiện có gia cầm ốm chết, tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm bệnh; không vận chuyển đi nơi khác mà phải báo ngay cho cán bộ thú y; thực hiện khử khuẩn và tiêu hủy theo hướng dẫn; người dân phải đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; khi có dấu hiệu sốt liên quan đến gia cầm bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Vaccin phòng cúm A/H5N1 đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng nhằm  tiếp tục đánh giá tính hiệu lực dự phòng và độ an toàn ở quần thể lớn hơn. Nếu đảm bảo các yêu cầu trên trong một tương lai gần, vaccin này sẽ được sử dụng trong cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Linh (thực hiện)

Nguồn: Suckhoedoisong.vn