Viêm amiđan

Do nằm ở cửa ngõ đường thở nên amiđan rất dễ bị viêm nhiễm. Nguyên nhân gây viêm chủ yếu là bụi, khói than, hóa chất, sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm (những thay đổi này ảnh hưởng tới sức căng bề mặt màng tế bào biểu mô, khiến vi khuẩn, virus dễ xâm nhập amiđan).

Nhìn chung, viêm amiđan được phân thành 2 loại:

l. Viêm amiđan cấp không đặc hiệu

Biểu hiện trước tiên là đau họng, sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi kèm theo chảy nước mắt; 2 amiđan sưng to, vùng họng viêm đỏ. Xét nghiệm công thức máu thấy số lượng bạch cầu không tăng. Thủ phạm gây viêm trong những trường hợp này thường là virus cúm A, B, C hoặc á cúm (adeno, rhino, herpet).

Bệnh nhân nên hạn chế sử dụng kháng sinh. Dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: chống phù nề, giảm đau, kháng histamin; vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như angispray, eludril, locabiotal, givalex… hoặc nước muối pha loãng.

2. Viêm amiđan cấp tính đặc hiệu do vi khuẩn

Bệnh nhân sốt cao đột ngột, đau họng tăng, thường đau lan tỏa vùng tai, hạch lân cận sưng to, người mệt mỏi, amidan viêm to kèm theo các hốc mủ, miệng hôi, xuất hiện màng giả tại amiđan. Xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao, bạch cầu trung tính tăng. Thủ phạm gây viêm thường là các vi khuẩn như liên cầu khuẩn, xoắn khuẩn (thường có màng giả kèm theo loét hoại tử)…

Để điều trị, bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu thích hợp với nguyên nhân gây viêm. Bác sĩ chỉ có chỉ định phẫu thuật trong trường hợp amiđan viêm mạn tính kéo dài, tái phát thường xuyên hằng tháng, có tiền sử viêm tấy quanh amiđan, xuất hiện hội chứng ngạt thở khi ngủ, viêm cầu thận cấp (chỉ cắt amiđan khi đã điều trị xong bệnh này).

Nguyên nhân nào gây ra viêm ami-đan?

Bệnh có thể do lây nhiễm virus hay vi trùng qua không khí (đường hô hấp), qua tiếp xúc tay chân, và lây khi hôn nhau.

Có nhiều chủng virus và vi trùng có thể gây bệnh này. Ví dụ virus Epstein – Barr (gây bệnh sốt tuyến) là nguyên nhân khá phổ biến. Thường gặp nhiều ở người trẻ tuổi, nhất là người sống tập thể, trong các kí túc xá nơi mà sinh hoạt hàng ngày có nhiều sự đụng chạm, chung chạ. Liên cầu khuẩn nhóm A là loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất. Giai đoạn ủ bệnh (giai đoạn từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) thường từ 2 đến 4 ngày, đôi khi thời gian này còn ngắn hơn nữa.

Triệu chứng của viên amiđan là gì?

Ðau họng kéo dài ít nhất 48 giờ, đau có thể kèm theo khó nuốt. Ðôi khi đau lan ra tai.

Khám thấy họng đỏ, hai amiđan sưng phồng, có thể những đốm màu trắng trên amiđan.

Có thể có sốt.

Sưng các hạch vùng dưới cằm, hạch cổ.

Ðau đầu.

Khàn tiếng hay mất tiếng.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là siêu vi thì các triệu chứng thường nhẹ hơn và xuất hiện thường vào mùa lạnh. Do virus Coxsackie, thường xuất hiện những bóng nước ở hai amiđan và vòm họng, khi các bóng nước này vỡ ra chỗ vỡ sẽ mọc vẩy và gây đau cho bệnh nhân.

Do liên cầu trùng (streptococcal), amiđan thường sưng lên, có tưa, và đau họng. Bệnh nhân có sốt, hơi thở hôi, và có thể cảm thấy khá mệt mỏi.

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng là những dấu hiệu trên, mà chúng thay đổi. Nên không thể chỉ quan sát họng bệnh nhân mà có thể chẩn đoán được tác nhân gây bệnh (chỉ gợi ý phần nào trong trường hợp các tổn thương khá điển hình).

Cần phải làm gì khi bị viêm ami-đan?

Nếu họng đau kéo dài vài ngày, hay khó nuốt nghiêm trọng, sốt cao và nôn ói, thì nên đi khám bác sĩ.

Uống nước ấm, ăn thức ăn mềm dễ nuốt, dùng các thuốc ngậm trị đau họng, nước xúc miệng để cải thiện tình trạng khó nuốt.

Có thể dùng các thuốc thông thường không cần kê đơn, mua tại tiệm thuốc.

Uống nhiều nước, vì ngoài tính trạng khó nuốt ảnh hưởng đến việc ăn uống thì sốt và thở bằng đường miệng khi bệnh làm mất nhiều nước của cơ thể. Sự thiếu nước càng làm cho bệnh nhân mệt mỏi.

Cần nghỉ ngơi tại một nơi ấm áp, tránh lạnh.

Chấn đoán viêm ami-đan bằng cách nào ?

Bác sĩ có thể chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh, nhưng đôi khi cũng cần những xét nghiệm khác như : xét nghiệm chất dịch tiết ra từ vùng viêm nhiễm (bằng cách dùng gạc thấm chất dịch này và đem đi nuôi cấy xác định loại vi khuẩn gây bệnh) hay các xét nghiệm máu.

Các biến chứng có thể gặp khi bị viêm ami-đan ?

Thông thường viêm hạnh nhân khẩu cái bệnh thường tự giới hạn trong khoảng 1 tuần, không gây biến chứng cũng như không để lại di chứng gì. Nhưng nó cũng có thể gặp một số biến chứng sau :

Nhiễm trùng thứ phát vào tai giữa hay vào các xoang lân cận.

Nếu nguyên nhân là liên cầu trùng, bệnh nhân có thể nổi mẩn đỏ trên da (phát ban màu đỏ) – sốt tinh hồng nhiệt.

biến chứng hiếm gặp là áp xe ở họng. Nếu ổ áp xe lớn đôi khi cần can thiệp phẫu thuật.

Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn nữa, bệnh tiến triển giống như sốt thấp (bệnh thấp cấp tính), hay gây biến chứng lên thận (gây viêm cầu thận cấp). Các trường hợp này ít gặp trong những thập niên gần đây. (riêng tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều).

Ðiều trị viêm ami-đan như thế nào ?

Hầu hết bệnh nhân viêm ami-đan do siêu vi chỉ cần dùng paracetamol để hạ sốt. Aspirin vai trò cũng tương tự nhưng không nên dùng cho trẻ dưới 16 tuổi nếu không có ý kiến của bác sĩ.

Một số ít bệnh nhân viêm amiđan do vi trùng thì cần dùng penicillin hoặc erythromycin  thay thế nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin. Khi đã sử dụng thuốc kháng sinh, cần dùng thuốc đủ liều và liên tục  nếu không các nhiễm trùng này khó chữa khỏi.

Phẫu thuật cắt bỏ amiđan có thể thực hiện được ở người bị nhiễm trùng nặng và tái đi tái lại không đáp ứng điều trị hay ở những bệnh nhân mà bệnh ảnh hưởng nhiều việc học tập lao động hàng ngày. Tuy nhiên chỉ định mổ cắt amidan không còn rộng như ngày xưa.

Đông y chữa viêm amiđan

 Trong y học cổ truyền, bệnh này được gọi là nhũ nga. Đây là tình trạng hai bên họng trong hố hạnh nhân sưng lên thành một cục hình dạng như con ngài tằm.

Nếu tình trạng sưng chỉ có ở một bên thì gọi là đơn nhũ nga, hai bên đều mọc gọi là song nhũ nga. Nếu có hiện tượng lở loét gọi là lạn hầu nga. Một bên là nhẹ, hai bên là nặng, loét ra thì càng nặng hơn.

Nguyên nhân gây bệnh là ngoại tà xâm nhập cơ thể không được chữa trị kịp thời; hoặc do ăn uống, sinh hoạt không giữ gìn, nóng lạnh đột ngột… Yết hầu là cửa ngõ của việc ăn uống, hít thở, thường xuyên tiếp xúc với bên ngoài. Khi ngoại tà theo đường ăn uống, hít thở xâm nhập vào hầu họng, tà khí và chính khí sẽ giao tranh và gây ra sốt. Nếu chính khí khỏe thì tà khí lui, bệnh tình đỡ dần và khỏi. Nếu chính khí suy giảm hoặc không được chữa tri kịp thời thì họng càng đau tăng, đỏ, loét, gây ảnh hưởng tới toàn thân.
Cách điều trị tùy thuộc vào thể bệnh:

Thực chứng: Sưng, đau, rát cổ họng, sốt cao, sợ gió. Nhũ nga sưng cao, xung quanh chân thu gọn. Lúc mới phát, bệnh nhân sợ rét, phát nóng, đau, ăn nuốt khó khăn, miệng ráo lưỡi khô; nặng thì nhũ nga chảy mủ vàng, ngoài gáy phát ra hạch nhỏ lổn nhổn như hạt châu, di động.

Dùng bài thuốc Ngưu bàng thang gia giảm: Ngưu bàng, phù bình, lô căn, cát cánh, thiên hoa phấn, xạ can, sơn đậu căn, sinh địa mỗi thứ 12 g; thăng ma, nhân sâm mỗi thứ 10 g; cam thảo, hoàng liên, liên kiều mỗi thứ 8 g. Cho 1.500 ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 150 ml. Ngày uống 1 thang, chia đều 5 lần.

Hư chứng: Nhũ nga sưng đau, sốt nhẹ, người mệt mỏi, bệnh tái phát liên tục hoặc dây dưa không khỏi, ăn uống khó khăn, lâu ngày da vàng, chân tay đau mỏi, tiểu tiện vàng và ít dần, có khi gây phù mặt; Nặng thì phù toàn thân.

Dùng bài thuốc Bổ trung ích khí thang gia giảm: Hoàng kỳ 24 g, cam thảo, kim ngân hoa, đương quy, hoàng cầm, hạnh nhân mỗi thứ 10 g; nhân sâm, trần bì, thăng ma, sài hồ, bạch truật mỗi thứ 12 g, liên kiều 8 g. Hoàng kỳ sao mật, nhân sâm bỏ cuống, đương quy rửa qua rượu, hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn. Cho 1.800 ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 200 ml. Ngày sắc 1 thang, chia đều 5 lần uống.

Theo thietbiytegiakhoa