Người bệnh tố bị ép mua thuốc tại bệnh viện

Đau dạ dày, một bệnh nhân ở Hà Đông, Hà Nội, đi khám ở một bệnh viện quân đội lớn. Anh vô cùng bức xúc vì sau khi thăm khám, bác sĩ yêu cầu phải mua thuốc của bệnh viện thì mới được nhận đơn.

Trong clip được tung lên YouTube với ghi chú là quay tại phòng khám của Bệnh viện quân đội 108 (Hà Hội), bệnh nhân giải thích với bác sĩ rằng nhà mình ở tận Hà Đông, cách bệnh viện cả chục cây số, không mang đủ tiền để mua thuốc nên đề nghị bác sĩ cho toa về nhà mua. Tuy nhiên, nữ bác sĩ không đồng ý, trả lời “đây là nội quy, có gì thì lên gặp viện trưởng”, và “không có tiền thì lấy nửa đơn, hôm sau mua tiếp cũng được”.

Vị bác sĩ này cũng lý giải thêm: “Viện quy định như thế, bắt các em phải mua thuốc trong bệnh viện để quản lý chất lượng thuốc, em ra ngoài mua thuốc vớ vẩn, cũng cái đơn của tôi nên em lại bắt đền tôi là không được”.

Quá bức xúc, bệnh nhân này bình luận: “Tôi đóng tiền khám, tiền xét nghiệm nhưng kết quả không được nhận trừ khi mua thuốc của bệnh viện. Trình tự khám xét, trả kết quả, mua thuốc ở bệnh viện này có vấn đề, gây khó khăn cho người bệnh”.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Duy Anh, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Chúng tôi thực hiện theo quy định, bệnh viện nào cũng phải mở nhà thuốc để phục vụ người bệnh. Bệnh viện có trách nhiệm với hiệu quả điều trị. Một đơn thuốc chỉ dành cho một bệnh nhân, cho loại bệnh đấy. Nếu chẳng may bệnh nhân mua thuốc ở ngoài không đảm bảo chất lượng, thuốc giả, dị ứng lại đổ lỗi cho bác sĩ”.

Cũng theo ông Anh, nếu người bệnh không đủ tiền mua thuốc uống trong 15 ngày thì có thể nói với bác sĩ kê toa mua 3,5 ngày, hết lại mua tiếp.

Còn tiến sĩ Đỗ Hòa Bình, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện 108 thì cho rằng: “Đây là quy định, điều khoản phụ của bệnh viện, mục đích là để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân và kết quả điều trị, người bệnh được mua thuốc đảm bảo chất lượng. Ngay tại cửa Khoa Khám bệnh, chỗ lấy phiếu đã có quy định này như một sự thỏa thuận, người bệnh đọc thấy chấp nhận thì khám”.

“Trong trường hợp lỡ xét nghiệm, khám rồi mà không muốn mua thuốc thì bệnh viện cũng đưa ra giải pháp mềm là gặp chủ nhiệm khoa, họ sẽ yêu cầu bác sĩ kê đơn viết tay. Chúng tôi gặp nhiều trường hợp như thế rồi”, ông Bình nói.

Bảng hướng dẫn quy trình khám bệnh được đặt ngay tại cửa khoa khám bệnh của Bệnh viện 108. Ảnh: P.N.

Ngay tại cửa vào Khoa Khám bệnh của Bệnh viện 108, phía bên phải, nơi lấy số khám có treo biển Hướng dẫn trình tự khám bệnh của bệnh nhân nhân dân. Nếu đọc kỹ, đến mục thứ 8, người bệnh sẽ thấy có quy định: “Nếu bệnh nhân không phải vào viện điều trị: đến nơi thu tiền thuốc trả kết luận bệnh nhân nhân dân… để nhận kết quả khám bệnh, đơn thuốc, nộp tiền… và mua thuốc điều trị”.

Một cách gián tiếp, quy định này đã buộc người bệnh phải đóng tiền mua thuốc mới được nhận đơn. Tuy nhiên, không phải ai vào viện cũng đủ kiên nhẫn đọc hết bản hướng dẫn, thậm chí hiểu hết nội dung trong đó. Vì thế, nếu lỡ không mang đủ tiền, người bệnh chỉ còn cách lên gặp trưởng khoa, hoặc “viện trưởng” để xin được giải quyết, hoặc phải tái khám.

Trong khi đó theo quy định về quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế, đơn thuốc có giá trị mua thuốc vòng 5 ngày kể từ ngày kê đơn và được mua ở tất cả cơ sở bán thuốc hợp pháp trong cả nước.

Riêng thuốc gây nghiện, thuốc opioids đợt 2, 3 cho người bệnh ung thư và AIDS thì chỉ được mua tại cơ sở bán thuốc có đăng ký chữ ký của người kê đơn hoặc của khoa dược bệnh viện nơi kê đơn (nếu địa phương không có cơ sở bán thuốc gây nghiện).

Như vậy, sau khi bác sĩ kê đơn, người bệnh có thể tự cầm đơn thuốc, đi mua ở quầy thuốc bất kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ đều khuyến cáo nên mua trong nhà thuốc bệnh viện, để đảm bảo không mua phải hàng giả, kém chất lượng.

Phương Trang – Theo vnexpress

Từ khóa: