Hà Nội: Người nhiễm H vẫn được đáp ứng đủ thuốc ARV

Theo ông Tuấn, phấn đấu đến năm 2015, TP. Hà Nội có thể chủ động triển khai các chương trình phòng chống AIDS bằng chính nguồn kinh phí của mình. Để thông tin đến độc giả sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nhân Tuấn, GĐ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội.
Thưa ông, ông có thể cho biết về tình hình nhiễm HIV trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay? Làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện mục tiêu “Vì một Hà Nội không có người nhiễm mới HIV”?
Hiện tại, số người nhiễm HIV đang sống của toàn thành phố là 17.000 người. Trong 10 tháng năm 2011, Hà Nội đã phát hiện 933 trường hợp nhiễm HIV (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2010), số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS là 328 trường hợp (giảm 23,3% so với cùng kỳ) và số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 65 ca (giảm 53,9%).
Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay và cũng là 5 năm tiếp theo là hướng tới Không có người nhiễm mới HIV. Để thực hiện được điều này đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thể xã hội vì chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được đại dịch này nếu chúng ta nâng cao hiểu biết. Quan trọng là đẩy mạnh truyền thông, thay đổi hành vi cho những người sử dụng ma túy, thực hiện hành vi tình dục an toàn.
Hiện Bộ Y tế vẫn đảm bảo đủ số thuốc kháng virus ARV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta cần tiếp tục tổ chức tốt dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm H và chống kỳ thị phân biệt đối xử. Như vậy mới có thể thực hiện mục tiêu Không còn người nhiễm mới HIV.
Nhiều bệnh nhân HIV/AIDS đang lo ngại nguồn thuốc ARV điều trị không đáp ứng đủ nhu cầu trong khi đó, các nguồn lực viện trợ từ nước ngoài đang giảm dần. Vậy làm thế nào để có thể tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống HIV/AIDS, thưa ông?
Từ 2012, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đều giảm từ 20-30% khiến cho công tác phòng chống AIDS ngày càng nặng nề.
Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo tổ chức những hội nghị liên ngành thành phố bàn về việc đảm bảo sự kết nối bền vững với các tổ chức quốc tế phòng chống AIDS trên cơ sở nguồn kinh phí quốc gia và thành phố. Phấn đấu sau năm 2015, TP. Hà Nội có thể chủ động triển khai các chương trình phòng chống AIDS bằng chính nguồn kinh phí của mình.
Tôi cũng cho rằng, vấn đề xã hội hóa công tác phòng chống AIDS bằng việc xây dựng đóng góp qũy hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV của thành phố và vận động tổ chức, doanh nghiệp trong nước chung tay góp sức.
Hiện nay 29 quận huyện của thành phố đều có triển khai hỗ trợ điều trị cho người nhiễm H, bước đầu đã thu hút được nguồn kinh phí đóng góp của tổ chức xã hội, cơ quan, cá nhân… Đây cũng là việc cần thiết hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV tại cộng đồng.
Đa số bệnh nhân nhiễm H có mong muốn thuốc ARV được đưa vào BHYT để họ có thể tiếp cận với nguồn thuốc hiệu quả và lâu dài hơn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong hai hội nghị của Bộ Y tế đã tổ chức trong quý 3 vừa rồi đã đặt ra vấn đề này, chúng ta từng bước đưa BHYT đáp ứng dịch vụ chăm sóc cho người nhiễm HIV, trong đó có một nội dung là thuốc ARV.
Với góc độ của người trực tiếp làm công tác phòng chống AIDS của thành phố, chúng tôi tin rằng triển khai BHYT cho những người HIV trong đó có thuốc ARV hoàn toàn trong khả năng thực hiện được của Bộ Y tế. Những người đang điều trị bằng thuốc ARV hoàn toàn có thể yên tâm là được tiếp tục đảm bảo có thuốc ARV điều trị dù cho các tổ chức quốc tế có cắt giảm viện trợ. Quan trọng là người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị ARV theo quy định, giảm thiểu một cách tối đa số bệnh nhân phải chuyển từ phác đồ điều trị bậc 1 sang bậc 2. Hiện chỉ có chưa đến 50 người nhiễm HIV tại Hà Nội phải điều trị phác đồ bậc 2.